Bá Thước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bá Thước đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế vào sản xuất. Nhờ đó đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Người dân xã Thiết Ống thu hoạch sắn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện chú trọng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; xây dựng vùng sản xuất lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao; vùng sản xuất rau an toàn; phát triển các sản phẩm lợi thế; cải tạo vườn tạp. Chuyển đổi những diện tích có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình như huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Gia đình ông Nguyễn Đại Hải ở xã Điền Trung đã tiên phong trong chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như hoàn ngọc, tía tô, cà gai leo, sài đất, xạ đen, ngải cứu... Qua trồng thí điểm, nhận thấy cây cà gai leo cho năng suất và sản lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nên ông Hải chuyển toàn bộ diện tích 1 ha vườn tạp sang trồng loại cây này. Theo tính toán, 1 sào cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô cho thu nhập trên dưới 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác. Như vậy, 1 ha cây dược liệu của gia đình ông Hải thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, năm 2022 trên địa bàn huyện có 14 hộ tham gia trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 5,5 ha. Nhận thấy giá trị kinh tế từ những loại cây dược liệu này nên huyện đang mở rộng diện tích và nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Năm 2023 dự kiến sẽ phát triển khoảng 63 ha ở 8 xã, trong đó, quý I-2023 đã trồng được 16 ha ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao...
Ngoài nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu, huyện Bá Thước cũng luôn quan tâm đến quy hoạch, nâng cao giá trị đối với những loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như quy hoạch vùng rau an toàn, vùng lúa, khoai tây, ngô, sắn, cỏ chăn nuôi... Đồng thời, vận động, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, phát triển cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp sinh thái, trong đó triển khai hiệu quả Đề án “Quản lý, sử dụng có hiệu quả lòng hồ Bá Thước II vào phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Đến nay, Bá Thước đã quy hoạch được 5 ha vùng trồng rau an toàn, 50.000 ha lúa, 250 ha nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng... đến nay tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 68,5%...
Ngoài ra, huyện Bá Thước còn triển khai xây dựng Chương trình “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng NTM để giảm nghèo nhanh, bền vững” và thực hiện 2 khâu đột phá “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”. Đồng thời ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó lựa chọn 6 loại vật nuôi gồm bò lai sin, bò úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện...
Từ những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện đang triển khai các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa.