Anh 'Quang rác' và giấc mơ giúp nông dân biến phụ phẩm nông nghiệp thành tiền

Trăn trở bởi các phụ phẩm nông nghiệp đang bị nông dân bỏ phí thậm chí gây ô nhiễm môi trường, trong khi đây là nguồn tài nguyên tái tạo vô cùng quý giá, anh Bùi Thanh Quang (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) đã tập trung nghiên cứu, chinh phục thành công công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh phân giải các phụ phẩm này. Từ đó giúp bà con nông dân xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Anh Bùi Thanh Quang nghiên cứu, tổng hợp, nhân các vi sinh vật, nấm có ích trong phòng thí nghiệm.

Anh Bùi Thanh Quang nghiên cứu, tổng hợp, nhân các vi sinh vật, nấm có ích trong phòng thí nghiệm.

Bùi Thanh Quang lâu nay vẫn thường được anh em, bạn bè gọi bằng cái tên trìu mến: "Quang rác". Lý giải về biệt danh lạ lùng này, anh chia sẻ: Trước đây mình từng làm quản lý ở một Nhà máy xử lý rác thải, ngày đêm lăn lộn, ăn ngủ cùng rác nên mọi người gọi luôn mình bằng cái tên đó. Nhưng có lẽ chính cái duyên với rác ngày ấy thôi thúc mình đến với ý tưởng ngày hôm nay. Mình thấy đối với nhiều nước trên thế giới, rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá; trong khi ở Việt Nam, rác chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, vừa lãng phí, vừa đòi hỏi nhiều quỹ đất. Ngoài ra, ở các làng quê, thân cây, rơm rạ, chất thải chăn nuôi bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống.

"Vốn sinh ra là con nhà nông nên đam mê làm nông nghiệp từ bé. Hơn nữa, mình học Đại học Nông nghiệp nên có sẵn các kiến thức nền tảng. Giá phân bón hóa học đang tăng chóng mặt, nông dân cần nhanh chóng có một loại phân bón giá rẻ sẵn có để thay thế. Đó là những lý do cho quyết định xin nghỉ công việc đã gắn bó hơn 10 năm ở một đơn vị sự nghiệp Nhà nước để về nhà toàn tâm toàn ý nghiên cứu tìm cách làm sao để xử lý các phụ phẩm nông nghiệp trở thành tài nguyên sinh ra lợi nhuận" - anh Quang tâm sự.

Tổng hợp các vi sinh vật, nấm có ích trong môi trường tự nhiên. Các vi sinh vật này được nhân lên trong phòng thí nghiệm rồi nhân sinh khối trên giá thể là cám gạo và gạo lứt... Đó là cách anh Quang cho ra đời 2 đứa con tinh thần đó là: Bio Thái Dương (chuyên dùng để phân hủy nhanh phân vật nuôi, làm khô phân và giảm các vi sinh vật có hại) và Trichoderma Thái Dương (giúp phân hủy nhanh, rút ngắn thời gian ủ, tăng chất lượng phân hữu cơ, chống các loại nấm bệnh gây hại trong đất).

Anh Quang vui mừng cho biết, hiện các sản phẩm từ men vi sinh và nấm đối kháng anh tạo ra đang được anh phát cho bà con nông dân có trang trại chăn nuôi gà, lợn, trâu bò và trồng cây dùng thử miễn phí.

Anh Quang hướng dẫn, phổ biến cho nông dân cách ủ phân bằng chế phẩm sinh học.

"Thực tế, các chế phẩm vi sinh trên thị trường có nhiều nhưng khi sản phẩm đó được sản xuất ở một vùng sinh thái khác mà đưa về vùng khí hậu của mình, các loại nấm, vi sinh vật trong đó chưa chắc đã phát triển được để phát huy tác dụng như mong muốn. 2 sản phẩm của mình được tổng hợp từ chính những vi sinh vật, nấm tại chỗ, chúng đã quen với môi trường trong vùng nên khi nông dân đưa vào sử dụng sẽ sinh trưởng rất mạnh" - anh Quang chia sẻ thêm.

Chị Đinh Thị Diễn (thôn Anh Trỗi, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) một hộ chăn nuôi gà đang sử dụng chế phẩm sinh học của anh Quang cho biết: Trước đây mình đã sử dụng vi sinh để xử lý chuồng trại rồi nhưng khi dùng thử sản phẩm Bio Thái Dương, Trichoderma Thái Dương thấy hiệu quả hơn, chuồng gà hoàn toàn khô ráo, sạch mùi, đàn gà khỏe mạnh, nhanh lớn. Phân gà, gia đình đưa ra bón cho vườn sắn dây cũng rất tốt, cây phát triển khỏe mạnh, nhiều củ mà không phải dùng đến phân hóa học. 0,8 ha sắn dây của gia đình năm nay cho tới 10 tấn củ tươi, tương đương với khoảng 1,5 tấn tinh bột.

Không chỉ giúp bà con xử lý chuồng trại giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ đảm bảo chất lượng ngay tại hộ gia đình, anh Quang còn lên phương án, mua lại các loại phân thải và phế thải của bà con nông dân sau đó ủ men vi sinh do anh tạo ra để về sản xuất phân hữu cơ.

Mong muốn của anh Quang là trong thời gian tới sẽ đồng hành cùng bà con nông dân tạo ra chuỗi năng lượng tích cực từ việc sử dụng các men vi sinh, nấm đối kháng có lợi có sẵn trong tự nhiên. Điều này vừa góp phần giải quyết tình trạng rác thải nông nghiệp tại các hộ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo sản phẩm phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giúp nông dân giảm bớt áp lực về chi phí đầu tư. Đó cũng là cơ sở vững chắc để xây dựng nên nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững cho tương lai.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/anh-quang-rac-va-giac-mo-giup-nong-dan-bien-phu-pham-nong/d20220601121231392.htm