Anh phát triển công cụ 'dự đoán án mạng'
Chính phủ Anh đang triển khai dự án sử dụng dữ liệu cá nhân để dự đoán nguy cơ phạm tội giết người, khiến các tổ chức nhân quyền lo ngại về quyền riêng tư và phân biệt đối xử.
Chính phủ Anh được cho là đang xây dựng một công cụ dự đoán nguy cơ giết người với hy vọng sẽ giúp tăng cường an toàn công cộng. Theo tiết lộ của tổ chức giám sát Statewatch, dự án sử dụng thuật toán để phân tích dữ liệu cá nhân của hàng nghìn người, bao gồm cả những người từng là nạn nhân, nhằm xác định ai có khả năng cao phạm tội nghiêm trọng trong tương lai.
Dự án ban đầu có tên là "dự báo án mạng", nhưng sau đó được đổi tên thành “chia sẻ dữ liệu để cải thiện đánh giá rủi ro”, theo Guardian.
Bộ Tư pháp Anh cho biết dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu và chỉ sử dụng dữ liệu của những người từng có án tích. Tuy nhiên, theo tài liệu thu được từ các yêu cầu công khai thông tin, dự án có thể đã truy cập vào dữ liệu cá nhân nhạy cảm như tình trạng sức khỏe tâm thần, hành vi tự gây hại và lịch sử bạo lực gia đình.
Dự án "dự báo án mạng" được giới quan sát nhận định là có nhiều điểm tương đồng với một số tác phẩm giả tưởng, bao gồm hai bộ phim với sự góp mặt của tài tử Tom Cruise là "Bản báo cáo cuối cùng" và "Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo cuối cùng".
Trong "Bản báo cáo cuối cùng", những người có khả năng thấu thị được đưa vào chương trình dự báo các hành vi phạm tội có thể xảy ra, từ đó giúp lực lượng chấp pháp ngăn chặn các bản án này.
Trong khi đó, dù không trực tiếp xoay quanh việc chặn đứng án mạng khả dĩ, "Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo cuối cùng" chứa nội dung về khả năng ứng dụng công nghệ trong dự báo tương lai, từ đó tìm ra hướng đi cho những thách thức tiềm tàng.

Dựa vào dữ liệu từ các đối tượng từng có án tích, thuật toán được kỳ vọng có khả năng dự báo xu hướng giết người. Ảnh: Unsplash.
Các nhà vận động nhân quyền cho rằng dự án có nguy cơ làm gia tăng tình trạng thiên kiến một cách có hệ thống.
“Dự án mới này, sử dụng dữ liệu từ lực lượng cảnh sát và Bộ Nội vụ, vốn mang tính phân biệt thể chế, sẽ chỉ củng cố và khuếch đại sự bất công có sẵn trong hệ thống tư pháp hình sự”, bà Sofia Lyall, nhà nghiên cứu tại Statewatch, nhận định. “Việc xây dựng một công cụ tự động để gán nhãn người khác là tội phạm bạo lực là điều rất sai trái”.
Một số dữ liệu được chia sẻ giữa cảnh sát và chính phủ, theo tài liệu do Statewatch công bố, bao gồm tuổi lần đầu cá nhân xuất hiện với tư cách là nạn nhân, các thông tin liên quan đến bạo lực gia đình, cũng như những dấu hiệu sức khỏe được cho là có giá trị dự đoán cao như nghiện ngập, trầm cảm, khuyết tật và xu hướng tự hủy hoại bản thân.
Bộ Tư pháp khẳng định rằng mục đích của dự án là nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro: “Chúng tôi đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về các yếu tố đặc điểm của người phạm tội có thể dẫn đến hành vi giết người. Dự án này sẽ cung cấp bằng chứng nhằm cải thiện đánh giá rủi ro tội phạm nghiêm trọng và qua đó giúp bảo vệ cộng đồng”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về độ chính xác và tính đạo đức của các hệ thống dự đoán bằng thuật toán.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy các hệ thống như vậy vốn dĩ không đáng tin cậy và có thể dẫn đến sai lệch nghiêm trọng khi ứng dụng vào thực tế”, bà Lyall cảnh báo. “Việc sử dụng dữ liệu nhạy cảm như sức khỏe tâm thần và lịch sử nghiện ngập là hành vi xâm phạm và đáng lo ngại”.
Dự án do Văn phòng Thủ tướng Anh ủy quyền khi ông Rishi Sunak còn đương chức, đang sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Quản chế và Cảnh sát Greater Manchester thu thập trước năm 2015. Bộ Tư pháp cho biết sẽ công bố báo cáo kết quả nghiên cứu trong thời gian tới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/anh-phat-trien-cong-cu-du-doan-an-mang-post1544456.html