Anh hùng thời chiến, vững tiến thời bình

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự hỗ trợ của lực lượng cấp trên, cùng với cả nước, quân, dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã nhất tề nổi dậy và liên tục tấn công giải phóng tỉnh Bình Thuận, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm qua, Bình Thuận đã "thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển đầy ấn tượng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, và dân Bình Thuận tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với truyền thống yêu nước vẻ vang của vùng đất kiên trung. 50 năm – một hành trình đầy gian khó song rất đổi tự hào, Bình Thuận hôm nay tràn đầy khát vọng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài 1: Bản hùng ca bất diệt

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với ý chí quyết chiến và quyết thắng, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã liên tục tiến công và nổi dậy; kết hợp đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, đánh bại địch từng bước, giành thắng lợi từng phần và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Nhân dân chào mừng Ngày giải phóng Phan Thiết.

Nhân dân chào mừng Ngày giải phóng Phan Thiết.

Thắng giặc thời chiến

Lật từng trang sử trở lại về những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc cứu nước, lúc bấy giờ Bình Thuận là một địa bàn quan trọng nối liền giữa Nam Tây Nguyên, Khu 5 và Nam bộ. Để thực hiện mục tiêu chiếm đất, giành dân và tiêu diệt lực lượng cách mạng, địch đã sử dụng nhiều chiến lược, chiến thuật như "Trực thăng vận", "Chiến xa vận", "Bủa lưới phóng lao", "Bình định đặc biệt", "Bình định cấp tốc", chà đi xát lại các địa bàn Tam Giác, Khu Lê... liên tục tiến hành hàng loạt các cuộc hành quân càn quét (Sơn Dương 1, Sơn Dương 2, Bình Lâm 1, Bình Lâm 2...); nhân dân luôn phải sống trong cảnh đàn áp, khủng bố với biết bao gian nguy, ác liệt. Trong quá trình xây dựng thế trận tiến công địch, các lực lượng vũ trang, chính trị, binh... không ngừng lớn mạnh; các căn cứ như Khu Lê Hồng Phong, Khu Tam Giác, miền Tây Hàm Thuận, Bắc Bình, vùng Đông Tánh Linh (núi Ông)... đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng cách mạng chiến đấu và trưởng thành.

Vào tháng 10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Lúc này, địch sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào vùng 3 chiến thuật để hòng quyết giữ phần đất còn lại làm "lá chắn" bảo vệ Sài Gòn. Cục diện chiến trường ở Bình Thuận thay đổi mau lẹ, tháng 12/1974 quân và dân tỉnh ta giải phóng 2 huyện Tánh Linh, Hoài Đức, đồng thời làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở các huyện Hàm Thuận, Bắc Bình, Tuy Phong, tạo vành đai vây ép địch trong các trung tâm thị trấn, thị xã. Mặt khác, bọn tàn binh địch từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung chạy về càng làm cho ngụy quân, ngụy quyền tại địa phương vô cùng hoang mang lo sợ. Khi cục diện chiến trường có bước nhảy vọt, xuất hiện thời cơ thuận lợi, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Và rồi, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã diễn ra với nhịp độ thần tốc, quân và dân Bình Thuận đã dồn sức phối hợp với lực lượng chủ lực quyết tấn công tiêu diệt địch tại địa phương. Ngày 8/4/1975 lực lượng ta tấn công Chi khu Thiện Giáo và làm chủ Chi khu quận lỵ Ma Lâm, làm rúng động hệ thống đồn bót địch dọc đường 8 và khu vực xung quanh. Sáng 18/4, các huyện Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Hải Ninh lần lượt được giải phóng. Trong lòng thị xã Phan Thiết, đảng viên và cơ sở của ta hướng dẫn quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với bên ngoài. Đêm 18/4, tại thị xã Phan Thiết, quân ta với 3 mũi chủ yếu đồng loạt tấn công. Địch hốt hoảng tháo chạy tán loạn; sáng 19/4/1975, thị xã Phan Thiết hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng thị xã Phan Thiết, lực lượng ta vượt sông Dinh thọc thẳng xuống tiểu khu Bình Tuy thị trấn La Gi, và giải phóng tỉnh Bình Tuy vào ngày 23/4; được sự chi viện của Đoàn 382 Hải quân, đêm 26/4/1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, Đại đội 490 giải phóng đảo Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý ngày 27/4/1975. Sau 51 ngày đêm liên tục tấn công và nổi dậy, quân dân tỉnh ta đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng mùa Xuân năm 1975.

21 năm trường kỳ kháng chiến, vượt qua muôn vàn gian khó, chiến đấu anh dũng kiên cường chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, quân và dân Bình Thuận đã chiến đấu 9.053 trận, diệt 55.171 tên địch, thu 39.212 súng các loại, phá hủy 185 xe tăng và bắn rơi 279 máy bay địch. Những tên đất, tên người đã ghi vào lịch sử “Khu Lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng”… xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

“Trị hạn” thời bình

Tiếng súng đã im, khói lửa của chiến tranh cũng đã được dẹp tan, Bình Thuận bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết lại quê hương. Thế nhưng, trên tiến trình ấy, tỉnh nhà phải đối mặt với bao gian nan, thử thách. Những mảnh đất bị bom cày xới, những cánh đồng khô cháy, cây cối xác xơ… Thừa nắng, thiếu mưa, đất đai cằn cỗi, hoang hóa… Giặc hạn, giặc đói bủa vây. Song, chính trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của con người Bình Thuận lại tiếp tục tỏa sáng qua từng công việc, từng dự án xây dựng, để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này.

Để thoát nghèo, bài toán đặt ra lúc này là nước. Bởi, “sống ở vùng khát”, hơn ai hết, người dân Bình Thuận thấy được giá trị của nước. Đặc biệt, sau giải phóng, số lượng công trình thủy lợi không nhiều, tỷ lệ những cánh đồng được tưới nước khá thấp, chỉ khoảng 3, 4%. Đất đai, ruộng vườn thì nhiều nhưng cằn cỗi, cây sống không nổi, cuộc sống của người nông dân thực sự cơ cực… Năm 1993, sau khi vào thăm và làm việc tại Bình Thuận, Tổng Bí thư Đỗ Mười (lúc bấy giờ) đã chỉ rõ, với Bình Thuận, phải tập trung làm thủy lợi để lo nước cho sản xuất.

“Bài toán” lo nước cho dân được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xem là nhiệm vụ sống còn và quyết tâm thực hiện. Hành trình “trị hạn” hồi sinh những vùng đất hoang hóa, khô cằn bằng việc cho ra đời các công trình thủy lợi như: Hồ Cà Giang, hồ Sông Quao, hồ Tân Lập... trong đó, hồ Sông Quao lớn nhất, chứa được 73 triệu mét khối nước.

Một hành trình không ngưng nghỉ, hằng chục năm trời, từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, các thế hệ lãnh đạo tỉnh vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, chắt chiu ngân sách, huy động sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh, mương dẫn nước. Những công trình thủy lợi lớn, nhỏ tiếp tục ra đời, hình thành hệ thống thủy lợi tương đối đều khắp như hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông, hồ Đaguri, hồ Sông Dinh, hồ Sông Móng, đập dâng Tà Pao, đập Ba Bàu... cùng hệ thống kênh Phan Rí - Phan Thiết, kênh 812 - Châu Tá, kênh chính đập dâng Tà Pao (Bắc - Nam), kênh chính Tây hồ Sông Dinh, kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon và hàng chục trạm bơm công suất lớn...

Đặc biệt, làm thủy lợi nhỏ đã đi vào những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lan tỏa trở thành phong trào rộng rãi trong toàn tỉnh. Nơi nào chưa có nước, người dân giúp nhau làm thủy lợi nhỏ, dẫn nước về. Người dân cũng không ngại ngần giao đất sản xuất của mình để đào kênh, Nhà nước đền bù được bao nhiêu cũng vui vẻ nhận, không so tính thiệt hơn… Cuộc chiến “trị hạn” một lần nữa nối ý Đảng với lòng Dân, tạo ra sức mạnh, đưa nước đến mọi nơi, tạo tiền đề cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cũng từ đây, nông dân Bình Thuận đã bắt đầu thay đổi tư duy để sản xuất, chuyển đổi mô hình công nghệ cao, bắt đầu thu về những mùa vàng trên những cánh đồng “không dấu chân”. Màu xanh trên đất, cuộc sống ngày càng ấm no của nhân dân chính là chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến "trị hạn" của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Bình Thuận.

Các công trình thủy lợi, đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Trong ảnh, hồ thủy lợi Sông Lũy, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Các công trình thủy lợi, đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Trong ảnh, hồ thủy lợi Sông Lũy, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Đến nay, ngoài hệ thống sông, hồ, Bình Thuận đã xây dựng được 78 công trình thủy lợi, 209 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm cùng với hệ thống hơn 4.000 km kênh mương... Hệ thống kênh này không chỉ đưa nước về các vùng sản xuất nông nghiệp mà còn kết nối các hồ chứa nước với nhau, tạo ra sự linh hoạt của toàn hệ thống như hồ lớn tăng cường tích trữ vào mùa mưa, cấp đủ nước cho hồ nhỏ vào mùa khô, nâng cao khả năng cung cấp nước tưới cho các vùng.

Bài 2: Đoàn kết, tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong kháng chiến chống đế quốc, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất anh dũng, kiên cường của miền cực Nam Trung bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 50 năm sau Ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến là tỉnh có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại, là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Hôm nay chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển nhanh và bền vững, cùng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một góc TP. Phan Thiết hôm nay.

Một góc TP. Phan Thiết hôm nay.

Những thành tựu nổi bật

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận vào tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên từ vùng đất khô, khó, khổ, chuyển mình mạnh mẽ và có những kết quả hết sức cụ thể. Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Nhờ đó, Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc”.

Quả thật, hôm nay kinh tế nông nghiệp ở Bình Thuận từng bước được tái cơ cấu phù hợp với điều kiện và lợi thế từng vùng, theo hướng chú trọng nâng cao hiệu quả, khắc phục tình trạng độc canh cây lúa, cây thanh long vươn mình xác lập vị thế. Hiện nay, giá trị sản lượng thu hoạch bình quân 1 ha từ 5,5 triệu đồng năm 1992 lên 140 triệu đồng/ha vào năm 2024. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nắng, gió ở Bình Thuận đã không còn là bất lợi mà giờ đây trở thành lợi thế, khi mà Bình Thuận đã khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hiện nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang hoạt động, với tổng công suất 6.520 MW; với sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm. Thời gian tới, khi các nhà máy điện khí hóa lỏng LNG, điện gió ngoài khơi được đầu tư, trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá; năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,25% cao hơn mức trung bình chung cả nước. Quy mô nền kinh tế cán mốc hơn 128 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng. Kinh tế biển tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; giai đoạn 2021 - 2025 thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 225.137,5 tỷ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng quy mô đầu tư.

Đặc biệt, với bờ biển dài, nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử văn hóa phong phú cùng hệ thống nghỉ dưỡng, dịch vụ chất lượng cao, Bình Thuận luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hàng đầu thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Về cơ sở hạ tầng, đường lớn đã mở, Bình Thuận đã có những bước đột phá với hệ thống giao thông hiện đại. Cụ thể là đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết, cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, Dự án tuyến đường ven biến, tuyến kết nối đường sắt tốc độ cao… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, kết nối vùng và thu hút đầu tư. Môi trường đầu tư, cải cách hành chính được đẩy mạnh tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Điều này được minh chứng qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự cải thiện đáng kể. Năm 2024 đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc, đưa Bình Thuận nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Mới đây, theo Báo cáo của PAPI, năm 2024 tỉnh Bình Thuận đạt 47,126 điểm và thuộc nhóm 3 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước.

Không chỉ phát triển kinh tế, Bình Thuận còn đặc biệt chú trọng đến đời sống, văn hóa, giáo dục và y tế. Các trường học, trung tâm đào tạo nghề được hiện đại hóa, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và các ngành công nghiệp hiện đại. Hệ thống trường học, bệnh viện ngày càng được mở rộng và nâng cấp, đảm bảo người dân được chăm sóc tốt hơn về mọi mặt. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách được thực hiện tốt bằng cả tấm lòng và trách nhiệm; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 79/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 84,95%; có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bản sắc văn hóa của Bình Thuận vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, từ văn hóa Chăm Pa cổ kính đến những lễ hội truyền thống của ngư dân miền biển. Con người Bình Thuận vẫn mang trong mình tinh thần hiếu khách, nghĩa tình, là những giá trị quý báu giúp tỉnh nhà ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được hồn cốt quê hương. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh tiếp tục được nâng lên. Phong trào thi đua yêu nước được duy trì, tạo động lực thúc đẩy không ngừng tinh thần nỗ lực phấn đấu của của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

50 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận thật sự vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Thành tựu hôm nay không phải là một sự may mắn, mà là kết tinh của biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, của hàng triệu người dân Bình Thuận, những con người đã cống hiến hết mình cho quê hương.

Bình Thuận tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời . Ảnh: Đ.Hòa.

Bình Thuận tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời . Ảnh: Đ.Hòa.

Sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới

Hôm nay, Bình Thuận không chỉ dừng lại ở những thành tựu đã đạt được mà phải hướng tới những mục tiêu cao hơn: Trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, phát triển kinh tế biển bền vững, xây dựng đô thị hiện đại nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, phải làm tốt 5 giải pháp. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, thời điểm này, cùng với cả nước, Bình Thuận đang tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tỉnh đang thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng. Đó là cập nhật, cụ thể hóa, triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng bộ gắn với xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; giảm chồng chéo trong quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế trọng điểm, y tế, giáo dục. Gắn tinh gọn bộ máy với cơ cấu, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” từ tỉnh đến xã, phường. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; chính quyền hành động, nền hành chính dân chủ, hiện đại với tinh thần chủ động, sáng tạo. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đất liền và biển đảo, giữa công nghiệp, nông nghiệp, du lịch – thương mại, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% …

Chúng ta có quyền tự hào về vùng đất Bình Thuận tươi đẹp, đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. 50 năm sau ngày giải phóng, vượt qua rất nhiều gian khó và thách thức để đạt được những thành tựu hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận tự hào về những gì đã qua, vững vàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

THANH NHÀN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/anh-hung-thoi-chien-vung-tien-thoi-binh-129491.html