Anh hùng Hồ Phòm: Lập công trên đường mòn huyền thoại

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh đi vào huyền thoại không chỉ bởi những chiến công, danh hiệu cao quý, mà còn bởi con đường đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng gắn kết giữa mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng các dân tộc anh em. Ngày ấy, mỗi đồn, trạm Biên phòng là một trận địa pháo phòng không, mỗi chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), mỗi đồng chí dân quân tự vệ đồng bào Mày, Sách, Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) là một tay súng chắc, sẵn sàng nhằm thẳng máy bay địch mà nhả đạn. Cũng đã có biết bao tấm gương hi sinh anh dũng để bảo vệ tuyến đường huyết mạch. Mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò Anh hùng Hồ Phòm trong buổi lễ tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25/8/1970. Ảnh: Tư liệu

Cũng từ con đường này, một người con ưu tú của đồng bào Khùa trên biên giới Việt Nam - Lào là Đại úy Hồ Phòm, một chiến sĩ CANDVT đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1970. Nhớ tới Anh hùng Hồ Phòm, niềm tự hào của dân tộc mình, già làng Cao Quý Nhè kể lại rằng, Hồ Phòm là một đứa trẻ mồ côi cha, phải đi làm con nuôi từ nhỏ. Năm 1954, đồng chí Hồ Phòm tham gia du kích và được cử là Phó Chủ tịch Mặt trận xã. Năm 1955, đồng chí nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Đến năm 1959, ông chuyển sang lực lượng CANDVT (nay là BĐBP), công tác tại Đồn Biên phòng Cha Lo, có nhiệm vụ đột nhập vào các đồn của địch để nắm tình hình và quân số của địch.

Thời gian này, không chỉ có đồng chí Hồ Phòm, mà cả gia đình phải thực hiện chính sách “3 không” là không để ai biết mình làm gì, ai hỏi gì cũng trả lời là không thấy và không biết. Hàng ngày, đồng chí Hồ Phòm phải mặc thường phục, nói tiếng Lào và đột nhập vào các đơn vị của địch như đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te... để nắm tình hình và quân số của địch. Đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, thậm chí chấp nhận tự sát nếu bị phát hiện để không bị lộ thân phận và bí mật quốc gia, Hồ Phòm đã thu thập được nhiều tin tức quan trọng, góp phần giúp lực lượng ta đánh tan đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te năm 1961, mở ra tuyến đường cho xe qua lại nước Lào.

Tiếp đó, năm 1962, đồng chí Hồ Phòm được cử đi học quân sự ở Trường Quân báo và chuyển sang Lào làm cố vấn quân sự. Đồng chí phụ trách hai bản Pha Xoóng và Cả Toóc của Lào, dân cư sống trong vùng rừng sâu hoặc các hang đá, đói kém triền miên. Lợi dụng tình hình đó, bọn phỉ và bọn phản động đóng chốt trong rừng sâu, khống chế tư tưởng nhân dân và ép buộc phải nộp lương thực, thực phẩm cho chúng. Những năm tháng công tác trên nước bạn, vừa hoạt động nghiệp vụ, đồng chí Hồ Phòm còn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền cho nhân dân các bộ tộc Lào anh em không theo giặc, ủng hộ cách mạng hai nước. Có lần, phản động luồn sâu được vào chính quyền địa phương của bạn, đồng chí Hồ Phòm đã phát hiện, báo cáo lên trên và tổ chức truy bắt được 6 tên.

Thật khó có thể tả được những gian khó, hiểm nguy mà người chiến sĩ CANDVT người Khùa ấy đã phải trải qua. Chỉ biết rằng, vượt qua những cơn sốt rét, vượt qua sơn lam, chướng khí và cả hai lần cận kề lưỡi hái của thần chết, ông đã vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trùm phỉ biết có cán bộ Việt Nam sang hoạt động trên địa bàn, chúng truy kích ráo riết và treo giải thưởng “ai có công giết được Hồ Phòm sẽ cho 1 bao gạo, 1 túi muối và 1 con lợn giống”. Chúng tổ chức nhiều trận phá rối các bản làng hòng cướp phá, trấn áp tinh thần nhân dân, song mỗi lần như thế, Hồ Phòm cùng anh em hỗ trợ đồng bào đánh trả, đuổi chúng ra khỏi bản làng.

Lần thoát chết đầu tiên là khi ông cùng một đồng chí người Lào đi công tác, bất ngờ gặp hai tên phỉ phục kích tại ngã ba Lằng Khằng. Ông nhanh chóng đẩy đồng chí đi cùng vào góc an toàn và nổ súng chống trả. Khi súng hết đạn, hai người hội ý rồi cùng nằm sấp xuống đường giả vờ chết. Hai tên phỉ phần vì chủ quan, phần vì sợ còn chiến sĩ cách mạng khác nên nhanh chóng bỏ đi. Lần khác, đồng chí Hồ Phòm hóm hỉnh kể với đồng đội và dân làng mình rằng: “Lần đó, tôi đến nhà trú ẩn ở một nhà dân theo cách mạng Lào, nhà chỉ có một bà mẹ và một cô con gái. Địch phát hiện có người lạ trong bản, huy động một sư đoàn đến bao vây. Lúc đó bỏ chạy chắc chắn sẽ bị bắn, tôi liền nói riêng với cô con gái và cầm tay cô ấy vào phòng trong nói chuyện, trong đầu đã lên phương án tự sát để bảo vệ bí mật quốc gia. Cũng may là tôi có bề ngoài giống với người Lào và nói tiếng Lào thành thạo, nên khi chúng hỏi, tôi trả lời bằng tiếng Lào: “Tôi là con rể nhà này và mới đi xa về”. Bà mẹ cũng xác nhận với tên cầm đầu, tôi là con rể của bà, chúng đã tin và quay trở ra”.

Năm 1966, Mỹ-ngụy điên cuồng cho máy bay bắn phá rất ác liệt ở địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Cha Lo phụ trách khiến nhân dân các bản làng hoang mang, lo sợ bỏ nhà cửa vào các hang đá trong rừng sâu ẩn nấp. Thực hiện chỉ thị của Đảng ủy cấp trên và Ban chỉ huy đồn, đồng chí Hồ Phòm phụ trách một tổ công sắc cơ sở đã vào rừng tìm dân ở khắp các hang động để vận động, tuyên truyền nhân dân cách ẩn nấp và phòng tránh bom đạn. Sau một thời gian kiên trì vận động, giải thích, đồng chí đã thuyết phục được hầu hết đồng bào quay trở về bản cũ, tiếp tục sinh sống và lao động sản xuất. Được sự giúp đỡ và hướng dẫn của ông, bản Cà Ai, xã Dân Hóa đã trở thành lá cờ đầu của huyện về phong trào bảo vệ trị an và phong trào sản xuất giỏi, xây dựng cuộc sống văn hóa mới. Ngoài ra, đồng chí Hồ Phòm cũng đã tích cực giải quyết mâu thuẫn, hận thù giữa người Khùa và người Mày từ xa xưa, gắt kết lại tình đoàn kết thân tộc, dân tộc giữa các bản làng trong vùng.

Với những đóng góp thầm lặng, góp phần cùng đơn vị trong công tác bảo vệ biên giới, vừa giúp đỡ cách mạng của nước bạn, vừa lo xây dựng cơ sở quần chúng, giúp đỡ bảo vệ các đoàn cán bộ vào Nam và ra Bắc, bảo vệ các tuyến đường dây giao liên, đường vận tải thuộc khu vực biên phòng, năm 1969, đồng chí Hồ Phòm vinh dự đại diện cho quân tình báo hoạt động ở Lào ưu tú ra Hà Nội dự một cuộc họp với quân biệt động Sài Gòn. Tiếp đó, ngày 25/8/1970, cùng với các đồng chí Trương Thành Nam, Võ Hồng Tuyên, Lê Duy Cận, Quàng Văn Liến... của lực lượng CANDVT, đồng chí Hồ Phòm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lần đó, ông vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luôn ghi nhớ lời Đại tướng dặn dò rằng, vai trò của những người lính quân báo vô cùng quan trọng và cũng rất thầm lặng, nguy hiểm, phải chấp nhận hi sinh bất cứ lúc nào mà không cần phải ghi danh.

Khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người anh hùng của cổng trời Cha Lo đã xin phục viên. Ông chân thành chia sẻ: “Những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã tạm gác lại việc gia đình để cống hiến cho cách mạng. Đất nước hòa bình, tôi muốn dành thời gian cùng vợ nuôi đàn con thơ khôn lớn”. Năm 2000, do tuổi cao sức yếu, ông đã ra đi về miền mây trắng, không quên để lại lời dặn với các con rằng: “Đồng bào mình có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, cách mạng, Bác Hồ, Đại tướng và những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống. Vì vậy, con và dân bản mình phải biết công ơn to lớn đó. Giờ đất nước không còn chiến tranh, con phải một lòng theo Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, cùng các lực lượng chức năng quyết tâm giữ vững chủ quyền an ninh biên giới”.

Những bản nhỏ của đồng bào Pa Kô - Vân Kiều từng tham gia mở đường, hỗ trợ bộ đội gùi hàng, ngày đêm tăng gia sản xuất, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bộ đội Trường Sơn năm xưa giờ đây đều đã về đích nông thôn mới, trở thành những điểm sáng vùng biên của biên cương hòa bình – hội nhập. Và câu chuyện về người anh hùng Hồ Phòm vẫn được kể lại trong những tiết học biên cương của trẻ em nơi đây.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-ho-phom-lap-cong-tren-duong-mon-huyen-thoai-post472390.html