Angimex (AGM) vất vả đường… 'về bờ'

Từng là doanh nghiệp mạnh, nhưng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) gần đây lỗ lớn, phải bán dần tài sản để trả nợ.

Angimex, doanh nghiệp từng được coi là “vua gạo” hiện mất khả năng thanh toán nợ đến hạn

Angimex, doanh nghiệp từng được coi là “vua gạo” hiện mất khả năng thanh toán nợ đến hạn

Lỗ lũy kế 175 tỷ đồng

Angimex vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu 58,7 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2023. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm 2,5 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 17,9 tỷ đồng), nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 175 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Tùng, Tổng giám đốc Angimex cho biết, chi phí tài chính và các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp đều giảm so với trước, nhưng vẫn ở mức cao. Đặc biệt, chi phí khấu hao và lãi vay là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận âm.

Trong 9 quý gần nhất, Angimex có 7 quý kinh doanh thua lỗ. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024, chỉ có quý I/2022 và quý III/2023 là Công ty có lãi (9,9 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng), còn lại đều lỗ, nặng nhất là quý IV/2022 và quý IV/2023 (lỗ 198 tỷ đồng và 157,6 tỷ đồng).

Năm 2023, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, Angimex ghi nhận doanh thu 788,7 tỷ đồng, giảm 77% so với năm 2022; lợi nhuận gộp âm 83 tỷ đồng; lỗ sau thuế 220 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 232 tỷ đồng).

Thua lỗ lớn trong 2 năm vừa qua khiến cổ phiếu AGM bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 5/4/2024.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 25/4/2024, Angimex đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.742 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 81% so với kế hoạch ban đầu.

Tiếp tục bán tài sản để trả nợ

Tính đến 31/3/2024, Angimex có tổng nợ phải trả 1.236 tỷ đồng, trong đó 1.203 tỷ đồng nợ ngắn hạn, chủ yếu là khoản mục “vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn” hơn 955 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chiếm phần lớn trong khoản nợ ngắn hạn là trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả trị giá 560 tỷ đồng và vay ngắn hạn ngân hàng gần 374 tỷ đồng.

Cụ thể, về trái phiếu, Angimex có khoản nợ trái phiếu của gói trái phiếu AGMH2123001 trị giá 350 tỷ đồng (lãi suất 12%/năm, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 9/11/2023) và gói trái phiếu AGMH223001 trị giá 210 tỷ đồng (lãi suất 12%/năm, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/9/2023), với mục đích đầu tư dài hạn vào các nhà máy.

Về khoản vay ngân hàng, Angimex vay ngắn hạn (4 tháng từ ngày giải ngân) tại BIDV - chi nhánh Bắc An Giang với số dư tính đến cuối quý I/2024 là gần 374 tỷ đồng và khoản nợ dài hạn đã bị chuyển sang nợ ngắn hạn có số dư 15,2 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM.

Để trả các khoản nợ đến hạn, Angimex sẽ tiếp tục bán tài sản nhằm tạo dòng tiền, phục hồi hoạt động kinh doanh, phương án mà doanh nghiệp thực hiện từ năm 2023 đến nay. Đại hội đồng cổ đông ngày 25/4/2024 đã thông qua phương án bán tài sản là Nhà máy chế biến lúa gạo Bình Thành (An Giang) cho Công ty cổ phần APC Holdings (Hà Nội) theo hình thức bán trực tiếp (giá bán chưa được công bố).

Quyết định bán Nhà máy là một phần trong phương án xử lý tài sản đảm bảo cho khoản vay 374 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Bắc An Giang. Tài sản đảm bảo là Nhà máy, cửa hàng cho công ty liên kết là Công ty TNHH Angimex Furious thuê, được Ngân hàng định giá tổng cộng 297,5 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Angimex cho hay, dư nợ của Công ty tại BIDV chi nhánh Bắc An Giang được theo dõi với nhóm nợ 1, được cơ cấu lần 4 và cũng là lần cơ cấu cuối cùng với thời hạn kết thúc cơ cấu vào tháng 5/2024. Sau thời hạn trên mà không thực hiện thanh toán nợ thì Angimex sẽ đối diện việc xếp hạng tín dụng tại các ngân hàng với nhóm nợ 5 (nợ có nguy cơ mất vốn), khi đó Công ty cùng các đơn vị thành viên sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm tới.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông Angimex trong cuộc họp bất thường tháng 11/2023 đã thông qua phương án chuyển nhượng phần vốn góp tại 8 công ty thành viên và 4 nhà máy đang sở hữu nhằm có nguồn trả nợ ngân hàng.

Ngày 8/5/2024, Angimex công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu mã AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, đáo hạn ngày 9/11/2023. Doanh nghiệp giải trình, do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên hiện chưa sắp xếp được nguồn thanh toán gốc và lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu này. Angimex đang tích cực đàm phán với Ban đại diện chủ sở hữu trái phiếu AGMH2123001 để xin gia hạn thanh toán, tương tự như lần mất khả năng thanh toán kỳ 5 lô trái phiếu AGMH223001 từ ngày 14/6/2023 và phải khất nợ các trái chủ.

Giấc mơ “tượng đài lúa gạo” xa vời

Hai năm vừa qua, Angimex lỗ lần lượt 232 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, quý đầu năm 2024 lỗ thêm gần 15 tỷ đồng.

Theo doanh nghiệp tự giới thiệu, Angimex được thành lập năm 1976 và cổ phần hóa ngày 1/1/2008, hoạt động trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp, thương mại dịch vụ…, ngành hàng chủ lực là lúa, gạo. Tầm nhìn của Công ty là phát triển thành một tập đoàn nông nghiệp chuyên sâu hàng đầu Việt Nam, với hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao và bền vững.

Angimex có năng lực sản xuất khoảng 250.000 tấn gạo/năm, trong đó 61% tổng doanh thu kinh doanh gạo đến từ xuất khẩu, với các thị trường chính là châu Á, Trung Đông và châu Mỹ. Nghịch lý là, thời gian qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của Công ty lại không khả quan.

Trước khi tình hình kinh doanh đi xuống, giai đoạn 2017 - 2021, Angimex đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận sau thuế tăng từ mức 11 tỷ đồng năm 2017 lên 27 tỷ đồng năm 2018, 40 tỷ đồng năm 2019, sau đó giảm về 25 tỷ đồng năm 2020 trước khi tăng đột biến lên 45 tỷ đồng năm 2021.

Năm 2021 là năm đỉnh cao của Angimex khi đạt doanh thu 3.931 tỷ đồng, gấp đôi mức 1.961 tỷ đồng năm 2020; lợi nhuận sau thuế gần 45 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2020; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2021 là 175,1 tỷ đồng. Đây cũng là năm doanh nghiệp tăng cường vay nợ nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chỉ sau một năm, tổng tài sản của Angimex tăng từ 758 tỷ đồng lên 1.856 tỷ đồng; song nợ phải trả tăng 319 tỷ đồng, lên 1.373 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là vay ngắn hạn.

Kết quả kinh doanh năm 2021 khởi sắc sau khi Angimex có sự thay đổi cổ đông lớn: Công ty cổ phần Louis Holdings mua cổ phần tại Angimex và đưa doanh nghiệp vào hệ sinh thái, thay thế cho nhóm cổ đông cũ từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim thoái vốn. Khi tiếp quản Angimex, Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings khi đó là ông Đỗ Thành Nhân chia sẻ tham vọng sẽ vực dậy doanh nghiệp có vị thế hàng đầu ngành lúa gạo một thời thành “tượng đài lúa gạo” của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Angimex bắt đầu khó khăn từ năm 2022 khi gánh nặng chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay, chi phí đầu tư tài chính và lỗ tỷ giá bủa vây, khiến doanh thu giảm từ gần 4.000 tỷ đồng về 3.432 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 233 tỷ đồng, chấm dứt chu kỳ có lãi đều đặn trước đó (năm 2023 lỗ thêm 220 tỷ đồng). Khó khăn của doanh nghiệp còn do chịu cú sốc khi ông Đỗ Thành Nhân bị cơ quan chức năng bắt tạm giam ngày 20/4/2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Trước đó, sau khi Louis Holdings nắm quyền chi phối Angimex, cổ phiếu AGM tăng vọt từ ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu lên ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu, sau đó lao dốc. Đến tháng 8/2022, Louis Holdings bán toàn bộ gần 52% vốn tại Angimex.

Ngoài ra, Angimex gặp khó khăn do kinh doanh chứng khoán thua lỗ. Tính đến cuối quý I/2023, Công ty ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán lên đến gần 30 tỷ đồng do trót “tất tay” vào cổ phiếu HQC của Công ty Địa ốc Hoàng Quân, với giá trị gốc là 62,5 tỷ đồng.

Hoàng Yến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/angimex-agm-vat-va-duong-ve-bo-post345958.html