An toàn thực phẩm trong trường học

Thời gian qua, liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại nhiều địa phương khiến nhiều người nhập viện. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà trường hiện nay.

Sự quan tâm của nhà trường ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, cách chế biến sẽ góp phần nâng cao độ an toàn cho các bếp ăn (Trong ảnh: Bếp ăn học đường tại Trường Tiểu học và THCS Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Quang Vinh.

Sự quan tâm của nhà trường ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, cách chế biến sẽ góp phần nâng cao độ an toàn cho các bếp ăn (Trong ảnh: Bếp ăn học đường tại Trường Tiểu học và THCS Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Quang Vinh.

Vụ việc 568 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ngày 30/4 vừa qua tiếp tục gióng lên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ sở chế biến đồ ăn, các bếp ăn tập thể…

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Các cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân là do các một số nguyên liệu thực phẩm chế biến bị nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli. Được biết, nguyên liệu của cửa hàng bánh mì này được mua từ chợ và các cơ sở nhỏ lẻ, nghĩa là việc truy xuất nguồn gốc của các nguyên liệu này rất khó thực hiện.

Về quy trình chế biến, do đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên tất cả đều được thực hiện tại gia đình bởi chủ cơ sở và người thân mà không phải là quy trình chặt chẽ như các đầu bếp chuyên nghiệp thực hiện. Đơn cử, theo chia sẻ của gia đình này, các thau chứa đồ được rửa sạch sẽ, nhưng chưa phân loại thau đựng đồ chín, đồ sống riêng biệt. Chỉ riêng việc này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, nhất là với một cửa hàng bán ra tới hơn 1.000 ổ bánh mì mỗi ngày thì sức ảnh hưởng càng lớn hơn nếu thực sự xảy ra vấn đề.

Trước đó, hàng loạt vụ việc ngộ độc vì thực phẩm xảy ra như ngày 5/4 tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sau khi ăn sáng, 13 em học sinh bất ngờ có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, và đau đầu. Trong đó, 1 học sinh lớp 5 đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Cùng ngày, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo nằm trên cùng địa bàn phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, hơn 30 học sinh khác cũng phải nhập viện để theo dõi sức khỏe. Hầu hết các em đều ăn sáng ở hàng quán trước cổng trường.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, 30 học sinh Trường THCS Tân Châu đã phải nhập viện kiểm tra sức khỏe vì có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc.

Sơ chế thực phẩm tại bếp ăn bán trú Trường Mẫu giáo Kim Đồng I (quận Lê Chân, Hải Phòng). Ảnh: Lã Tiến.

Sơ chế thực phẩm tại bếp ăn bán trú Trường Mẫu giáo Kim Đồng I (quận Lê Chân, Hải Phòng). Ảnh: Lã Tiến.

Giải pháp từ nhà trường

Một trong những vấn đề luôn làm đau đầu các cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh là cạm bẫy hàng rong trước cổng trường học. Mặc dù đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thế nhưng vẫn tồn tại những gánh hàng rong tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Không ít trường hợp học sinh bị ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc mua đồ ăn không đảm bảo chất lượng ở các xe bán hàng rong này.

Bên cạnh việc tăng cường quản lý các quán hàng rong này, việc nâng cao nhận thức của học sinh cũng được các nhà trường chú trọng. Vừa qua, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội đã thí điểm xây dựng mô hình căng tin thông minh trong trường học. Phụ huynh có thể kiểm soát từ xa việc con mình ăn uống gì khi mua đồ ăn tại căng tin này. Theo đó, học sinh không cần sử dụng tiền mặt, với một chiếc thẻ thông minh học sinh sẽ mua được những món mà mình thích từ căng tin này với nguồn thực phẩm được đảm bảo, được kiểm soát kỹ càng. Nhờ đó mối lo mất ATTP khi ở trường của cả học sinh và phụ huynh cũng được giảm đi.

Nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP. Kết quả kiểm tra tại 11/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 36,7%) và 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thấy chỉ có 9/15 cơ sở đạt các tiêu chí về ATTP, còn lại là không đạt. Ngoài ra, Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 81 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 311 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã kiểm tra, giám sát 4.768 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kết quả có 4.480 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 94%) và 288 cơ sở vi phạm (chiếm 6%). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 270 cơ sở với tổng số tiền hơn 918 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tại TPHCM, thời gian này thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP nhằm hạn chế tình trạng bị ngộ độc thực phẩm. Sở ATTP TPHCM đã thành lập 11 đoàn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng dự kiến kiểm tra là 2.366 cơ sở.

Chú ý thời tiết nắng nóng

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình. Sở cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo VSATTP. Đặc biệt trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Để đảm bảo ATTP, cần nâng cao nhận thức của người dân khi chọn mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng tại những cơ sở uy tín. Tiếp đó là biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách... Cần đặc biệt lưu ý vấn đề ăn uống bên ngoài và lưu trữ thực phẩm. Trong đó chú ý các yếu tố góp phần gây ra ngộ độc như: bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phòng trong thời gian quá lâu (hơn 2 tiếng); nhiệt độ hâm nóng chưa đạt yêu cầu, bảo quản thực phẩm làm lây nhiễm chéo, thực phẩm bị nhiễm bệnh, chạm tay vào thực phẩm đã chế biến sẵn...

Ngoài ra, một số loại vi khuẩn khác thường gây ngộ độc trong mùa hè như: Escherichia coli (E.coli) khiến người bệnh buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu; vi khuẩn Campylobacter là tác nhân thường gặp gây viêm dạ dày và ruột...

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Kiên (Trường Đại học Y Hà Nội), đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người dùng vẫn có nguy cơ ngộ độc. Để đảm bảo ATVSTP, người tiêu dùng nên hạn chế ăn thức ăn đường phố. Nếu sử dụng phải lựa chọn cơ sở uy tín, có người bán hàng đeo khẩu trang, bao tay, có tủ kính, nắp đậy để tránh côn trùng... Đối với bếp ăn gia đình cũng cần chú ý đến việc bảo quản thức ăn trong mùa nắng nóng để tránh ôi thiu, nhiễm khuẩn.

Từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024, cả nước đã xảy ra 3 vụ ngộ độc lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ khiến hơn 1.000 người nhập viện. Trong quý I năm 2024, cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023). Tính riêng năm 2023, có 28 người tử vong do ngộ độc thực phẩm và có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc giám sát về ATTP trên các văn bản, chỉ đạo của cơ quan chức năng rất đầy đủ nhưng trong quá trình thực hiện còn lỏng lẻo, khó khăn. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng với các giải pháp đồng bộ thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là từ gia đình. Nếu cha mẹ cho con ăn sáng tại nhà thì sẽ đảm bảo hơn. Còn nếu để trẻ ăn sáng tại cửa hàng bên ngoài thì cần có hướng dẫn, nhắc nhở con về các quán ăn, thức ăn nên ăn, trong các trường hợp nhận thấy đồ ăn có vấn đề thì cần xử lý ra sao…

Bên cạnh đó, cơ quan phụ trách về ATTP, cơ quan y tế tại địa phương đó cần kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ và đảm bảo trật tự an toàn của các quán ăn đường phố, làm sao để không có các thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán. Nhà trường cũng cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đối với học sinh về nguy cơ từ các thực phẩm, đồ ăn, đồ chơi từ các quầy bán hàng rong này. Nếu nhà trường có điều kiện tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin… thì cần phân công giáo viên, người có trách nhiệm phụ trách cùng với đại diện phụ huynh hướng dẫn cùng tham gia kiểm tra giám sát nguyên liệu đầu vào, chế biến ra sao, khẩu phần ăn thế nào. Cơ quan y tế, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra đột xuất, xem xét các tình huống xảy ra trong thực tế. Các bếp ăn, căng tin đều phải tuân thủ yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo ATTP ở mức cao nhất cho học sinh, giáo viên.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-10279547.html