Án hành chính - 'điểm nghẽn' cố hữu

Bên cạnh những kết quả đạt được, 'vẫn còn tình trạng người bị kiện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, gây khó khăn cho tòa án trong công tác xét xử và gây bức xúc cho người khởi kiện'. Đây là một trong những nội dung được nêu ra trong báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác của tòa án trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trong 6 tháng qua, đối với án hành chính, các tòa án đã thụ lý 9.136 vụ; đã giải quyết, xét xử được 2.756 vụ; đạt tỷ lệ 30,17% (so với cùng kỳ năm 2023, thụ lý tăng 191 vụ). Qua thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cho thấy, các vụ án chủ yếu liên quan tới khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai. Quá trình giải quyết, các tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; khắc phục triệt để việc để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, tính đến ngày 31.3.2024, không có vụ án hành chính nào để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan... Bên cạnh đó, các tòa án đã tăng cường xét xử trực tuyến các vụ án hành chính, góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần; hạn chế việc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.

Trong các vụ án hành chính, người bị khởi kiện, người buộc phải thi hành án hành chính thường là chủ tịch UBND, UBND, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Những chủ thể này là những người hiểu biết, nắm rõ pháp luật. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng người bị kiện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính. Đây là "điểm nghẽn" cố hữu, kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề năm 2022 của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, một trong những khó khăn của công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính là tình trạng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa chiếm tỷ lệ lớn và kéo dài nhiều năm nay. Tại nhiều địa phương mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt… Ngoài ra, theo quy định những bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, buộc đối tượng bị khởi kiện phải thi hành nhưng trên thực tế, không ít trường hợp, tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án do chủ tịch UBND và UBND không tự nguyện thi hành án. Đây là một thực trạng kéo dài nhiều năm qua.

Và trong 6 tháng đầu năm nay, tình trạng tuân thủ pháp luật về thi hành án hành chính chưa nghiêm một lần nữa lại tái diễn khi các tòa án đã phải ban hành tới 145 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án (tăng 63 quyết định so với cùng kỳ năm trước).

Rõ ràng, việc người bị khởi kiện trong các vụ án hành chính không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu nại.

Cơ chế xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không chấp hành bản án hành chính đã có. Theo đó, Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành bản án, quyết định của tòa án.

Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và vị trí công tác có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong Nghị quyết số 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Chế tài đối với người không tuân thủ nghiêm bản án hành chính đã có. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm với những trường hợp vi phạm này dường như vẫn đang để ngỏ. Do đó, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp không chấp hành bản án hành chính, tránh tình trạng “nhờn” luật. Chỉ khi cơ chế xử lý trách nhiệm được thực hiện nghiêm thì tình trạng “người bị kiện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính” mới không còn tái diễn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/an-hanh-chinh---diem-nghen-co-huu-i371659/