Ấm lòng bữa cơm dịp 27-7
Trưa 25-7, căn nhà nhỏ của cô Phan Thị Hương (đường Xuân Lập, phường Hải Châu, Đà Nẵng) rộn ràng hơn mọi ngày bởi sự xuất hiện của các bạn trẻ trong màu áo xanh, các chị em phụ nữ. Họ đến soạn mâm cơm, trước là cúng, thắp hương cho các liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng trong gia đình, sau là dành thời gian chuyện trò với cô Hương, người dành cả cuộc đời chăm lo hương khói cho các anh - những liệt sĩ chưa có mộ phần.

Bữa cơm nhiều tiếng cười và những câu chuyện ngày xưa.
Hai người anh của cô Hương là liệt sĩ Phan Văn Cân và liệt sĩ Phan Văn Dữ lần lượt hy sinh năm 1965 và 1968 khi tuổi đời mới đôi mươi. Cô Hương kể, cả 2 anh đã được gia đình đi hỏi vợ, bàn tính chuyện lập gia đình. Nhưng rồi, lần nhiệm vụ sau đó, các anh bị địch bắt và hy sinh. Đau lòng hơn, gia đình không tìm được thi thể hay hài cốt của các anh. Có người mách cho địa điểm một anh trai ở Xuân Thiều, ba cô Hương nhiều đêm lần mò tìm tới nhưng phát hiện, đó là mộ chôn tập thể, không biết đâu là con mình. Sau này khi hòa bình, mộ chôn đó cũng bị mất dấu tích. Một người anh khác thì bị địch bắt, giết rồi thả trôi sông, cũng không tìm thấy thi thể.
Nén nỗi đau mất con, trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, ba mẹ cô Hương nuôi giấu cách mạng, lo cho các anh du kích địa phương, những đoàn quân từng bữa cơm, canh chừng quân giặc. "Hồi ba cô còn sống, ông giỏi lắm, băng rừng lội suối để tìm tin tức của người anh trai thứ khác nhưng đến nay vẫn không tin tức... Trước khi qua đời, lời nhắn nhủ của mẹ cô là phải lo hương khói cho các anh. Bà thương các con hy sinh khi tuổi đời con trẻ, thân xác lại không được về với gia đình" – cô Hương nghẹn ngào, mắt đỏ hoe kể lại. Có lẽ vì lời dặn dò ấy, cô Hương đã không lập gia đình, dành cả cuộc đời thờ cúng hai anh, rồi đến ba mẹ. Biết hoàn cảnh cô quạnh của cô, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hải Châu đã phối hợp với Đoàn Thanh niên phường tổ chức bữa cơm nhân ngày 27-7. Mỗi người một tay, họ bày biện hoa quả, mâm cơm, ấm trà rồi dâng hương cho các liệt sĩ, ba và mẹ của cô Hương. Cũng nhân dịp này, đoàn gửi tặng cô Hương món quà động viên.
Nắm tay các bạn trẻ, cô Hương xúc động: “Căn nhà này chẳng mấy khi đông người ra vào, nên các cháu đến thế này cô vui lắm! Chính quyền nhiều lần hỏi cô có nguyện vọng gì không, cô nói không xin gì cả, vì đất nước mình có hàng vạn gia đình chính sách cần quan tâm. Chỉ mong bản thân có sức khỏe, còn lo hương khói cho các anh và ba mẹ, mỗi năm được đón các bạn đến chơi là vui rồi”.
Bữa cơm dịp 27-7 không chỉ là một bữa ăn đơn thuần mà còn là sự gắn kết giữa các thế hệ, là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay gửi đến người thân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống vì hòa bình hôm nay. Trong không gian ấm cúng, bên mâm cơm giản dị mà chan chứa tình cảm, những câu chuyện năm xưa lại được nhắc lại, như một cách gìn giữ ký ức và lan tỏa tinh thần yêu nước. Đôi mắt cô Hương ánh lên niềm hạnh phúc giản dị – hạnh phúc của người vẫn đang lặng thầm giữ lửa trong ngôi nhà nhỏ, giữa lòng thành phố và nhìn thấy những thế hệ trẻ luôn hướng về những thế hệ cha ông với lòng biết ơn sâu sắc.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/am-long-bua-com-dip-27-7-post316668.html