Ảm đạm ngành xi măng

Với việc nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng giá gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành xi măng. Để thúc đẩy ngành phát triển bền vững và nâng cao tính cạnh tranh, cần cải thiện năng suất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp xi măng vẫn chưa hết khó.

Doanh nghiệp xi măng vẫn chưa hết khó.

Điều chỉnh tăng giá

Tính đến thời điểm hiện tại, giá nguyên vật liệu đầu vào như than, điện… liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới. Hiện tại các nhà máy xi măng vẫn đang chịu thua lỗ, có nguy cơ phải dừng sản xuất.

Trước thực trạng chung, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cùng các nhà máy đã có kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước. Theo đó, để ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tình trạng thua lỗ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp đã có thông báo báo điều chỉnh giá bán xi măng trong nước.

Từ ngày 1/1/2025, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã gửi thông báo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời các loại lên 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Tương tự, Vicem Hoàng Mai cũng thông báo điều chỉnh tăng giá thu về tại nhà máy thêm 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT), so với hiện hành đối với tất cả các chủng loại xi măng bao do công ty sản xuất.

Tập đoàn The Vissai cũng đã gửi thông báo đến các đơn vị thành viên (Công ty CP Vissai Ninh Bình, Công ty CP Vissai Hà Nam, Công ty CP Xi măng Đồng Bành, Công ty CP Vissai Sông Lam và Công ty CP Vissai Sông Lam 2) về việc điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao các loại thêm 46.300 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Công ty CP Xi măng Tân Thắng điều chỉnh giá bán xi măng tăng 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả chủng loại xi măng bao và rời Tân Thắng trên phạm vị toàn bộ thị trường tiêu thụ cho đến khi có thông báo mới thay thế.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận, giá nguyên vật liệu đầu vào như than, điện và các chi phí năng lượng khác có ảnh hưởng rất lớn đến ngành xi măng. Như than là một trong những nguồn năng lượng chính để sản xuất clinker (vật liệu chính trong sản xuất xi măng). Khi giá than tăng, chi phí sản xuất xi măng cũng tăng theo. Vì than chiếm một phần lớn trong tổng chi phí sản xuất của ngành xi măng, đặc biệt là ở những nhà máy sử dụng lò quay để sản xuất clinker.

Việc sử dụng điện trong ngành xi măng không chỉ để vận hành thiết bị trong quá trình nghiền xi măng, mà còn trong các giai đoạn khác như nghiền clinker, đóng bao, và vận chuyển. Giá điện cao sẽ làm tăng chi phí vận hành của các nhà máy xi măng. Khi chi phí nguyên liệu và năng lượng tăng, giá thành sản phẩm xi măng sẽ bị đẩy lên. Điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp xi măng, đặc biệt là đối với những công ty có biên lợi nhuận mỏng.

Nếu không thể chuyển toàn bộ chi phí tăng lên cho khách hàng (thông qua việc điều chỉnh giá bán), doanh nghiệp sẽ phải chịu giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các công ty thường phải giữ mức giá ổn định để duy trì thị phần, nhưng điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ bị thu hẹp khi chi phí tăng.

Cùng với đó, các biến động về giá nguyên liệu, điện năng và nhiên liệu có thể gây sự bất ổn định trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh của các công ty xi măng. Đặc biệt, trong bối cảnh giá năng lượng quốc tế thay đổi thất thường, các công ty cần có chiến lược quản lý rủi ro và điều chỉnh sản xuất linh hoạt để đối phó với sự biến động này.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2024 tổng nguồn cung xi măng toàn quốc đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm...

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than...; nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh. Xuất khẩu cũng gặp khó khăn do các rào cản thương mại từ Philippines, Trung Quốc và một số thị trường lớn. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công tư công chậm ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.

Doanh nghiệp "hụt hơi"

Mới đây, ngày 9/1, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phản ánh Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) báo lỗ thêm cả nghìn tỷ đồng.

Trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát sự việc được phản ánh. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân Vicem lỗ cả nghìn tỷ và đề xuất hướng khắc phục trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 diễn ra vào ngày 7/1 cho thấy, sản lượng sản xuất clinker của VICEM 15,94 triệu tấn, đạt 94,3% kế hoạch năm, giảm 3,6% so với thực hiện năm 2023. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy VICEM Hải Vân và VICEM Hạ Long phải dừng lò, giảm năng suất, thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, để hạn chế đổ clinker ra bãi.

Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của VICEM 23,78 triệu tấn, đạt 98,9% so kế hoạch năm 2024, tăng 5,4% so với năm 2023. Trong đó, tiêu thụ xi măng khoảng 21,04 triệu tấn, đạt 97,4% kế hoạch năm 2024; tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 18,18 triệu tấn, đạt 97,8% kế hoạch năm 2024. Xi măng xuất khẩu khoảng 2,86 triệu tấn, đạt 94,9% kế hoạch năm, giá xuất khẩu FOB từ 40 - 40,5 USD/tấn. Clinker xuất khẩu khoảng 2,74 triệu tấn, đạt 111,6% kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu năm 2024 toàn VICEM đạt 27.151 tỷ đồng.

Hiện nay, VICEM đang rà soát, thu thập, phân tích thông tin để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng năm 2025 đảm bảo tính khả thi, tích cực. Tuy nhiên, năm 2025 còn nhiều khó khăn và khó đoán định nên Tổng Công ty VICEM đưa ra kế hoạch với nhiều thận trọng.

Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker khoảng 17,87 triệu tấn, tăng 12,1% so với năm 2024; Sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 25,58 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm trước, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 19,7 triệu tấn; Doanh thu dự kiến khoảng 29.413 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2024.

Để giải quyết các khó khăn, theo Bộ Xây dựng, Tổng Công ty cần phải tìm ra được các nguyên nhân, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan để khắc phục. Theo đó, cần tập trung tăng cường quản trị chi phí; kiểm soát chặt chi phí từ nguyên, nhiên liệu, chi phí sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quản lý doanh nghiệp; triển khai các chuỗi cung ứng hợp lý, giảm chi phí vận tải; tái cơ cấu các đơn vị thành viên, công ty kinh doanh thua lỗ, tránh nguy cơ mất vốn.

Một những giải pháp quan trọng khác là cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; khai thác tối ưu cơ hội từ các dự án đầu đầu tư công trọng điểm; tìm kiếm và phát triển những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/am-dam-nganh-xi-mang.html