Algeria yêu cầu các ngân hàng cảnh giác hơn trong việc mở L/C

Theo chỉ đạo của Tổng thống Algeria, Hiệp hội ngân hàng và cơ sở tài chính nước này (ABEF) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng trong nước cảnh giác hơn đối với các nhà nhập khẩu sử dụng tín dụng thư (L/C) trong thanh toán hóa đơn nhập khẩu.

Trong một công văn ngày 15/4/2021 gửi lãnh đạo các ngân hàng và cơ sở tài chính, ABEF yêu cầu "phải cảnh giác hơn trước khi cho phép sử dụng tín dụng thư làm phương thức thanh toán nhập khẩu" và khuyến nghị các ngân hàng "cần tìm hiểu rõ khách hàng muốn dùng L/C". Công văn nhấn mạnh "Việc thanh toán nhập khẩu bằng L/C diễn ra khi ngân hàng người mua nhận được bộ chứng từ, tức là trước khi thông quan hàng hóa".

Theo một số chuyên gia ngân hàng, chính quyền Algeria muốn áp đặt việc kiểm soát nhiều hơn đối với các hoạt động nhập khẩu thanh toán bằng thư tín dụng, đồng thời khuyến khích quay lại hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ hoặc chuyển tiền tự do là những phương thức được thực hiện sau khi thông quan hàng hóa.

Mục tiêu của chỉ thị này là cần có sự kiểm soát tốt hơn việc chuyển ngoại tệ trong khuôn khổ các hoạt động nhập khẩu và tối thiểu hóa các hành vi gian lận, mua bán bất hợp pháp từ phía doanh nghiệp nhập khẩu, những người có thể chuyển tiền ra nước ngoài trước khi hàng đến cảng Algeria.

Hiện nay, phương thức thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận được đa số doanh nghiệp nhập khẩu Algeria sử dụng, là một công cụ bảo đảm thanh toán cho nhà xuất khẩu sang Algeria nhưng lại ít bảo đảm cho khách hàng nước này vì họ chỉ có thể tiếp cận hàng hóa sau khi đã thanh toán tiền hàng. Việc này dẫn tới rủi ro về chất lượng sản phẩm, thậm chí không giao hàng trên thực tế. Vì vậy, trong Luật tài chính 2021, chính phủ Algeria đã quy định việc thanh toán chậm 45 ngày đối với một số mặt hàng nhập khẩu để bán lại nguyên trạng nhằm bảo đảm cho hải quan có thời gian kiểm tra hàng sao cho phù hợp với nội dung bộ chứng từ.

Tại Algeria, tín dụng thư (L/C) từng được quy định là phương thức thanh toán xuất nhập khẩu duy nhất trong Luật tài chính bổ sung năm 2009, nhưng sau đó chỉ áp dụng bắt buộc đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cuối cùng.

Hoàng Đức Nhuận

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/algeria-yeu-cau-cac-ngan-hang-canh-giac-hon-trong-viec-mo-lc-155673.html