Ai cũng có thể làm việc thiện với 'Nuôi em Quảng Trị'
Tuy mới ra đời nhưng Dự án 'Nuôi em Quảng Trị' được rất nhiều người biết đến bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với chị LÊ THỊ NGUYỆT, Chủ nhiệm Dự án 'Nuôi em Quảng Trị' để hiểu rõ hơn về những hoạt động của dự án trong thời gian qua.

- Trước tiên, xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của Báo Quảng Trị. Chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và Dự án “Nuôi em Quảng Trị”?
- Xin chào độc giả Báo Quảng Trị! Tôi tên là Lê Thị Nguyệt, Chủ nhiệm Dự án “Nuôi em Quảng Trị”. Hiện nay, tôi đang sinh sống, làm việc tại Bình Dương. Tôi rất vui mừng khi thay mặt các thành viên trong dự án, nhà hảo tâm chuyện trò với phóng viên và bạn đọc Báo Quảng Trị. “Nuôi Em Quảng Trị” là dự án thiện nguyện dài hạn do Hội Từ thiện Trái tim Việt triển khai theo mô hình “Nuôi em” của Nhóm “Ánh sáng núi rừng” do bạn Hoàng Hoa Trung sáng lập nhằm mục đích kết nối nhà hảo tâm giúp đỡ cải thiện bữa ăn cho các em nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang học tập tại các điểm trường vùng cao. Thời gian qua, từ sự kết nối của Dự án “Nuôi em Quảng Trị” và các nhà hảo tâm, nhiều em nhỏ ở vùng cao Quảng Trị được thưởng thức những bữa cơm có cá, có thịt.
- Dự án này ra đời như thế nào, thưa chị?
- Hằng năm, cứ mỗi đợt mưa bão, tôi và các nhà hảo tâm khác thường có những hoạt động thiện nguyện hướng về Quảng Trị. Cách đây không lâu, tình cờ gặp gỡ và trò chuyện với một giáo viên mầm non, chúng tôi biết về sự khó khăn, thiếu thốn của học sinh ở vùng cao Quảng Trị. Cô giáo kể, vì ba mẹ không có 5 ngàn để đóng tiền ăn trưa cho con nên một số em nhỏ phải về nhà dùng bữa. Sỉ số lớp học vì thế thường “rơi rụng” vào buổi chiều. Một số em được ba mẹ chuẩn bị cơm mang đi học nhưng phần lớn chỉ có cơm trắng, rau rừng, muối ớt... hoặc xôi, mì tôm. Thứ có chất dinh dưỡng nhất trong những gô cơm thỉnh thoảng chỉ là vài con cá khô, miếng thịt thái mỏng. Câu chuyện đó khiến chúng tôi rất trăn trở và dấy lên mong muốn giúp đỡ các em nhỏ ở vùng cao Quảng Trị. Mới đây, có dịp biết đến bạn Hoàng Hoa Trung, người sáng lập hệ sinh thái “Nuôi em”. Tôi và những người có chung chí hướng khác đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm, xây dựng Dự án “Nuôi em Quảng Trị”. Dự án ra đời vào tháng 2/2021.
- Thực tế, việc triển khai một dự án từ thiện và duy trì sự phát triển của nó không hề dễ. Vậy, chị và các tình nguyện viên khác đã nỗ lực như thế nào?
- Khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện, nếu ta làm bằng chính cái tâm, luôn hướng đến những điều tốt đẹp thì mọi thứ xung quanh tự nhiên cũng sẽ tốt đẹp hơn. Chúng tôi có một nhóm nhỏ gọi là “Gia đình tym”. Ở đó, chúng tôi chia sẻ cho nhau về những dự định sẽ làm, từ đó cùng nhau lan tỏa ra xã hội. Tất cả các thành viên trong nhóm của chúng tôi đều có công việc riêng và thường dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình để tham gia những hoạt động tình nguyện vì đam mê. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - chúng tôi luôn xác định như vậy. Nhờ tinh thần đoàn kết, sự phối hợp đầy trách nhiệm của những người cùng chí hướng, các chương trình thiện nguyện của chúng tôi đã ra đời, được nhân rộng hơn, bước xa hơn, đi được nhiều hơn và phát triển bền vững hơn. Dự án “Nuôi em Quảng Trị” không phải là ngoại lệ.
- Chị và các tình nguyện viên khác đã làm gì để thuận lợi trong việc huy động quỹ, một nhiệm vụ được đánh giá là rất khó?
-Trên các trang mạng xã hội của Dự án “Nuôi em Quảng Trị” cũng như các thành viên tham gia, chúng tôi đều thông tin rất cụ thể về dự án và cách để nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Khi đọc những thông tin mà dự án chia sẻ, nhiều người khá bất ngờ vì biết chỉ cần 150 ngàn đồng/tháng, tương đương 3 cốc cafe hay trà sữa, họ đã có thể giúp một em nhỏ vùng cao có được những bữa ăn ngon. Rất nhanh sau đó, mọi người đã liên lạc với chúng tôi với mong muốn được góp sức làm một điều gì đó ý nghĩa cho các em.

Thành viên Dự án “Nuôi em Quảng Trị” đến thăm, tặng quà cho trẻ em ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh: T.L
Trong quá trình triển khai Dự án “Nuôi em Quảng Trị”, chúng tôi rất mừng khi biết rằng xung quanh mình có rất nhiều người tử tế. Họ sẵn sàng hỗ trợ và đặt niềm tin vào dự án dù chưa từng gặp mặt chúng tôi. Vì thế, tôi, các tình nguyện viên luôn nỗ lực để không phụ sự kỳ vọng của những người đó. Chúng tôi cùng các anh nuôi, chị nuôi luôn sẵn sàng chia sẻ và lan tỏa để dự án được tiếp cận tới nhiều tấm lòng vàng hơn nữa. Chúng tôi tin, khi dự án nhân văn này được nhiều tấm lòng vàng biết đến thì mọi người cũng sẽ không ngần ngại mà hỗ trợ các em nhỏ.
- Mong chị chia sẻ về những kết quả đáng mừng từ sự nỗ lực của mình và các tình nguyện viên, nhà hảo tâm tham gia Dự án “Nuôi em Quảng Trị”?
- Điều đặc biệt nữa của dự án đó là giúp tất cả mọi người đều có thể làm thiện nguyện dù đôi khi điều kiện kinh tế của những người đó không khá giả. Ngay cả những em nhỏ cũng có thể làm anh nuôi, chị nuôi nếu thực sự mong muốn. Chúng tôi rất xúc động khi có một số em đã để dành tiền lì xì hoặc cùng ba mẹ bán hàng gây quỹ để chung sức giúp các bạn nhỏ vùng cao. Một chia sẻ rất thật rằng, với chúng tôi, việc bạn lan tỏa thông điệp tốt đẹp về dự án nhân văn này cũng chính là đang làm thiện nguyện. Bạn kết nối được anh, chị nuôi hỗ trợ các em nhỏ cũng chính là đang làm thiện nguyện. Chúng tôi vô cùng trân quý những hành động đẹp như thế.
Vì rất dễ tham gia, đóng góp, lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên mô hình của Dự án “Nuôi em Quảng Trị” lan tỏa và được nhân lên một cách nhanh chóng. Từ số em nhỏ được hỗ trợ ban đầu là 90, đến năm học 2022 - 2023, dự án và các nhà hảo tâm đã giúp 343 em có bữa cơm no với cơm, cá, thịt, trứng... Trong năm học mới này, chúng tôi sẽ nỗ lực để có nhiều hơn nữa các em nhỏ ở vùng cao Quảng Trị nhận được hỗ trợ từ anh, chị nuôi.
-Trong quá trình triển khai Dự án “Nuôi em Quảng Trị”, chị và các tình nguyện viên khác đã có những trải nghiệm đáng nhớ như thế nào?
-Trong mỗi chuyến thăm, chúng tôi đều ghé vào một số gia đình em nuôi bất kỳ. Tháng 5/2023, chúng tôi có ghé vào nhà em nhỏ ở một xã miền núi Quảng Trị. Khi thấy chúng tôi, phụ huynh rất vui. Không nói được nhiều tiếng Kinh nên họ chỉ nói ngắn gọn: “Cảm ơn”, “Vui lắm”... Điều khiến chúng tôi xúc động hơn là phụ huynh của em nuôi bưng ra một chiếc mâm, trên đó đựng xôi, sắn, mấy quả chuối và vài con cá suối nướng... Chúng tôi đã lặng đi khi biết đây là những món ngon nhất mà chủ nhà chỉ dành để đãi khách quý. Sau khi ra về, chúng tôi đã ngồi lại nói chuyện với nhau khá lâu và quyết tâm phải cố gắng kết nối để có thêm thật nhiều em nhỏ ở vùng cao Quảng Trị nhận được sự hỗ trợ.
- Thời gian tới, các anh chị có dự định, kế hoạch gì để phát triển Dự án “Nuôi em Quảng Trị”, qua đó giúp đỡ nhiều hơn những bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn?
- Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì và nỗ lực để mỗi năm tăng thêm số em nhỏ được hỗ trợ. Theo ghi nhận, hầu hết các anh, chị nuôi của Dự án “Nuôi em Quảng Trị” đều là người từ địa phương khác. Vì thế, chúng tôi đang mong muốn hướng đến việc người Quảng Trị hỗ trợ người Quảng Trị, tiếp cận tới các anh chị nuôi tại Quảng Trị thông qua các phương tiện truyền thông.
- Xin cảm ơn chị!
Tây Long(thực hiện)