80 năm vị thế Việt Nam trên 'bàn cờ thế giới'

'Cách đây không lâu, các nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) thế hệ trước còn phải cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước đau khổ, bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ. Ngày nay, chính Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nước tuyệt vọng nhất thế giới. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới' - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ trân trọng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2022).

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón những chiếc tàu lớn nhất thế giới, chở hàng hóa của Việt Nam đi thẳng đến nước Mỹ, châu Âu. Ảnh: Hải Luận

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón những chiếc tàu lớn nhất thế giới, chở hàng hóa của Việt Nam đi thẳng đến nước Mỹ, châu Âu. Ảnh: Hải Luận

Phải trông ở thực lực

Mùa Xuân Ất Tỵ năm 2025, tròn 80 năm lập quốc, chừng ấy thời gian dân tộc ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, tìm kế sách phát triển. Từ một quốc gia phải chịu nạn đói kinh hoàng, nền kinh tế tài chính kiệt quệ, phải huy động tổng lực thực hiện những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, bảo vệ nền độc lập, thống nhất nước nhà. Lúc khó khăn bức bách, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, chủ động cử Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, nêu cao trách nhiệm với thế giới.

Khi nước nhà vừa độc lập, năm 1946, còn thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho LHQ bày tỏ quan điểm rõ ràng: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ"(1).

Tư tưởng mở cửa hội nhập, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao của Bác Hồ chính là: “Việt Nam làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với ai… Lấy tình người xóa đi khúc mắc”. Thời điểm đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Bác Hồ vẫn xác định vị thế Việt Nam trên “bàn cờ thế giới”. Đề nghị LHQ “cầm trịch” để Việt Nam hợp tác phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, xây dựng cảng biển, sân bay…, mở rộng giao thương với các nước trên thế giới. Phương châm hành động cả bên trong và bên ngoài được Bác Hồ chỉ ra: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn"(2).

“Tình người” và “thực lực” phản ánh đặc trưng con người, văn hóa cốt cách Việt Nam, quyết chiến đấu để bảo vệ bờ cõi, đuổi quân giặc ra khỏi biên thùy, rồi “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tất cả những tư tưởng đó được thể hiện trong quá trình đàm phán và ký Hiệp định Genève (năm1954) về lập lại hòa bình ở Việt Nam; Hiệp định Pari (năm 1973), buộc quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.

Ngày 11/7/1995, tròn 20 năm sau ngày đất nước ta thống nhất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Từ đó mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan, đại diện Chính phủ Việt Nam và bà Barshefsky, đại diện Chính phủ Mỹ đặt bút ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ. Sau một thời gian, nền kinh tế của nước ta đã kiểm nghiệm thực tiễn với nền kinh tế Mỹ, cán cân thương mại hai nước đều tăng. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 700 triệu USD vào năm 2000, đến năm 2005 đã tăng lên 7 tỷ USD, năm 2017 nhảy vọt lên 50 tỷ USD, năm 2022 đạt trên 100 tỷ USD. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Dẫn ra những sự kiện, số liệu trên để thấy rằng, kinh tế Mỹ giống như kinh tế thế giới thu nhỏ, Việt Nam đã hợp tác với Mỹ, giúp nhiều doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân. Chính phủ ta mới quyết tâm đàm phàn với các nước để Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ kinh nghiệm đàm phán Hiệp định với Mỹ, các nhà đàm phán của nước ta lần lượt “khoan thủng” hàng rào kỹ thuật thuế quan, quy cách sản phẩm, xuất nhập khẩu… theo “luật chơi” của thế giới. Ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu 100 năm lập quốc

Mùa Xuân năm 2025, với tiềm lực kinh tế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được xem là đỉnh cao của mọi thời đại. Trong một thế giới có nhiều biến động, thái cực khác nhau, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, duy nhất Việt Nam cùng một lúc có thể “nói chuyện thân mật” và ký kết hợp tác lâu dài với Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, “chảo lửa” chiến tranh một số nước Trung Đông… Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Lấy tình người xóa đi khúc mắc” và “phải trông ở thực lực…”.

“Thực lực” kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… của đất nước ta lớn mạnh là lý do các nước trên thế giới đã hai lần bầu Việt Nam vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, một lần giữ chức vụ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và đảm nhiệm nhiều vị trí của cơ quan LHQ.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác thương mại với trên 190 quốc gia và nền kinh tế. Nước ta đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia; đồng thời, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 10 quốc gia. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD, năm 2024 đạt 800 tỷ USD.

Năm 2025 sẽ diễn ra đại hội đảng các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tập trung phân tích, đánh giá 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, đồng thời đề ra mục tiêu, chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045. Đây cũng là năm kỷ niệm 100 năm lập quốc, đánh dấu Việt Nam trở thành nước phát triển trong tương lai không xa.

“Nói đi đôi với làm” được xem là tư tưởng, hành động xuyên suốt trong nhiều năm qua của Việt Nam. Đất nước ta đã và đang xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, trục dọc, trục ngang, kết nối các vùng kinh tế cùng phát triển. Xây dựng nhiều cảng biển lớn, sân bay quốc tế, khu kinh tế, khu công nghiệp… Từ nhịp đập phát triển sôi động, Đảng, Nhà nước ta kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung những chính sách sát với thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ hiện đại, quản trị thông minh vươn tầm thế giới.

Công trình kỳ vĩ nhất

Mùa Xuân này, nước ta triển khai thực hiện “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng kinh phí dự kiến 67 tỷ USD, đạt vận tốc chạy tàu 350km/giờ. Đây được xem là công trình kỳ vĩ nhất suốt chiều dài 80 năm lập quốc, mang tầm khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, kết nối các trung tâm kinh tế, thành phố, vùng dân cư trên trục đường thời đại mới.

Hải Luận

.................

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 4, trang 470.

(2) Vũ Khoan tâm tình gửi lại, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trang 70.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/80-nam-vi-the-viet-nam-tren-ban-co-the-gioi-post486286.html