6 khuyến nghị của EuroCham để phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Trước những thách thức và cơ hội đan xen như hiện nay, việc thực hiện các chính sách thích ứng và các điều chỉnh chiến lược phù hợp sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng và tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác, mở rộng thị trường.
Trong thời gian gần đây, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện có khả năng phục hồi và linh hoạt. Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng ta phải cân bằng sự lạc quan với thực tế. Năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020. Chúng tôi dự đoán sẽ có những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được mà chúng tôi cần phải chú ý”, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham phát biểu tại buổi ra mắt Sách Trắng ngày 16/1 tại Hà Nội.
Với riêng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thời cơ then chốt. Canh tác công nghiệp thông thường đã thúc đẩy tăng năng suất, tuy nhiên lại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào bên ngoài như phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Các tác động và rủi ro môi trường gây ra cho sức khỏe con người đã khơi mào cho phong trào toàn cầu hướng tới bền vững sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái đưa ra một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn bằng cách áp dụng các nguyên tắc riêng của tự nhiên vào nông nghiệp. Khi ngành nông nghiệp Việt Nam tìm cách cân bằng giữa tăng năng suất và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, nông nghiệp sinh thái nên được xem xét nhờ mang lại nhiều lợi ích.
Nông nghiệp sinh thái nhấn mạnh đến đa dạng sinh học, chất lượng đất và kết hợp hiệu quả giữa các hệ động thực vật để tối ưu hóa năng suất. Các kỹ thuật bao gồm luân canh cây trồng, xen canh, quản lý dịch hại tổng hợp và canh tác tự nhiên với ngân sách bằng 0. Điều này làm giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào tổng hợp bên ngoài, từ đó giảm chi phí và dấu chân môi trường. Việc canh tác này phù hợp với nông dân sản xuất nhỏ, mang lại khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua sản xuất đa dạng hóa. Sản xuất trái cây, rau và hàng hóa được chứng nhận hữu cơ cũng có thể giúp nông dân Việt Nam tiếp cận thị trường nội địa và xuất khẩu cao cấp.
Với thực trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản của EuroCham (FAABS) đã đưa ra 6 khuyến nghị cho ngành trongấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15.
Thứ nhất là khuyến khích giảm sử dụng và giảm nguy cơ từ thuốc trừ sâu hóa học.
Ví dụ, Liên minh châu Âu đề xuất mục tiêu giảm 50% việc sử dụng và rủi ro từ thuốc trừ sâu hóa học cũng như việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm hơn vào năm 2030 và tăng tổng diện tích nông nghiệp được sử dụng trong canh tác hữu cơ (UAA) từ khoảng 14,7 triệu ha đất nông nghiệp ở EU vào năm 20205 tương ứng từ 9,1% lên 25% vào năm 2023.
Thứ hai là khuyến khích áp dụng nông nghiệp sinh thái thông qua tăng cường canh tác trên diện tích nhỏ hơn, xen canh và luân canh cây trồng.
Thứ ba là khuyến khích hình thành các cụm hợp tác và hợp tác xã để dễ đạt được một chứng nhận hữu cơ duy nhất.
Thứ tư là cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ.
Thứ năm là tăng cường nỗ lực và đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo và các nỗ lực chính sách để chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái một cách suôn sẻ.
Thứ sáu là về các phân tử gây lây nhiễm chéo và do đó có khả năng ảnh hưởng đến tính vô hại trong thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu, các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể tập trung vào một số loại thuốc trừ sâu như Cypermethrin, Permethrin, Acetamiprid, Mancozeb và một số loại khác.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết, Sách Trắng không chỉ đơn thuần là một nguồn thông tin mà cung cấp những cái nhìn sâu sắc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam - trong nước, trong khu vực ASEAN và trên thị trường châu Âu. Bao gồm hàng chục lĩnh vực trong 24 chương, từ chăm sóc sức khỏe đến nông nghiệp, xây dựng đến năng lượng, ấn phẩm này khai thác kiến thức chuyên môn thực tế từ các Ủy ban ngành của chúng tôi - các nhóm chuyên gia trong ngành có nhiều kinh nghiệm.