5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số bảo vệ môi trường đã triển khai những biện pháp gì?

5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số bảo vệ môi trường (PEPI) 2022 là Đà Nẵng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Ninh và Tiền Giang đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực trong công tác quản lý, tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 4161/QĐ-BTNMT vào đầu tháng 1/2024, 5 tỉnh, thành phố có tổng điểm chỉ số bảo vệ môi trường (PEPI) 2022 cao nhất là TP. Đà Nẵng với 73,33 điểm; Bắc Kạn 70,29 điểm; Lạng Sơn 65,62 điểm; Bắc Ninh 65,29 điểm; Tiền Giang 65,22 điểm.

Với kết quả này, TP. Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp đứng đầu trong 63 tỉnh, thành cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: một là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần; hai là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Trước kết quả này, nhiều người đặt ra câu hỏi, các tỉnh, thành phố trên đã làm gì để đạt được thành tích đáng nể này. Đặc biệt là thành phố Đà Nẵng khi có hai năm liên tiếp giữ vững vị trí đầu bảng về chỉ số bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng

Được biết, Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất của Việt Nam tiên phong phát triển theo định hướng “Thành phố môi trường”. Thành phố Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, xem rác thải, khí thải là tài nguyên có thể tái sử dụng một cách hợp lý theo định hướng phát triển bền vững, tuần hoàn. Do đó, Đảng bộ, Chính quyền thành phố xác định bảo vệ môi trường là nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Với quyết tâm biến Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, tháng 3/2022, nhiều người trẻ tại thành phố đã kết nối và thành lập các CLB, hội, nhóm bảo vệ môi trường trong đó có Hội Yêu rác Đà Nẵng (HYR). Thành lập từ tháng 3/2022, đến nay, tổng lượng rác Hội Yêu rác Đà Nẵng (HYR) đã nhặt dao động 25 - 37 tấn. Quá trình xây dựng thành phố môi trường không thể không kể đến những đóng góp lớn của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR).

 Đà Nẵng hướng tới phát triển "Thành phố môi trường”. (Nguồn Internet)

Đà Nẵng hướng tới phát triển "Thành phố môi trường”. (Nguồn Internet)

Nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR) ã có nhiều hoạt động phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, trong đó có hai dự án lớn gồm: “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” (triển khai trong 2 năm) và “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” (triển khai trong 3 năm) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Tháng 5/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 1012/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án tới năm 2025 bao gồm: 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; Tỷ lệ khí nhà kính phát thải từ năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo giảm từ 1 - 2 %/năm; 100% chất thải nguy hại phát sinh từ các nhà máy công nghiệp được tái chế, tái sử dụng và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.Đảm bảo 90% các chợ trên địa bàn thực hiện phân loại và thu gom chất thải rắn; Từng bước đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải các chợ hạng I, hạng II trước khi thải ra môi trường; 80% các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, 60% chợ có sử dụng bao bì thân thiện môi trường, thay thế cho túi nilon dùng 1 lần khó phân hủy.

Cũng trong năm 2023, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như tổ chức Ngày hội môi trường với chủ đề "Biển Đà Nẵng mãi trong xanh", lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường biển nói riêng và môi trường TP Đà Nẵng nói chung. Sự kiện thu hút hơn 500 người dân hưởng ứng

Tại Lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2023 (Enjoy Da Nang), Ngày hội bảo vệ môi trường biển "Đại dương xanh" diễn ra tại bãi tắm nam Xuân Thiều thu hút nhiều lực lượng, hội, nhóm tham gia ra quân dọn vệ sinh bãi biển, triển lãm tranh tự vẽ, mô hình tái chế rác thải theo nghệ thuật sắp đặt, hoạt động ngoại khóa, workshop (hội thảo/thảo luận) tìm hiểu về cách thức bảo vệ môi trường…

Tháng 2/2024, Thành phố Đà Nẵng phát động phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn. Thành phố kêu gọi, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân - hãy thực sự là những nhân tố tích cực, gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, nêu cao trách nhiệm của mình bằng những hành động thiết thực.

Bắc Kạn

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thường xuyên. Được biết, từ nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua thực tiễn, những mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường

Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

 Bắc Kạn thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. (Nguồn Internet)

Bắc Kạn thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. (Nguồn Internet)

Bên cạnh mô hình “Cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, khu dân cư “3 không”, “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới” cũng được Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn triển khai xây dựng, nhân rộng tại nhiều địa phương để góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Lạng Sơn

Là một trong những tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ nằm trong 5 tỉnh, thành có chỉ số bảo vệ môi trường (PEPI) 2022 cao nhất, Lạng Sơn đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường.

Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh; phê duyệt Chương trình quan trắc chất lượng môi trường tỉnh hàng năm; thường xuyên ban hành các công văn giao rõ nhiệm vụ cho các đơn vị để triển khai thực hiện.

 Lạng Sơn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tới người dân. (Nguồn Internet)

Lạng Sơn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tới người dân. (Nguồn Internet)

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức các lớp tập huấn bảo vệ môi trường không khí lồng ghép vào nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Ngoài ra, thành phố Lạng Sơn còn thành lập nhiều "Tổ liên gia bảo vệ môi trường". Mỗi tổ liên gia có từ 10 – 40 hộ dân tham gia, hằng tháng các tổ ra quân ít nhất 2 buổi để dọn vệ sinh môi trường và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và phân loại rác thải tại gia đình. Đến nay, thành phố Lạng Sơn có trên 300 “Tổ liên gia bảo vệ môi trường” với hơn 9.000 hộ dân tham gia.

Bắc Ninh

Công tác bảo vệ môi trường Bắc Ninh luôn được coi trọng. Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bắc Ninh phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và duy trì trong những năm tiếp theo; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định; 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý; 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị mới thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

 Bắc Ninh tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường 2019 - 2025. (Nguồn Internet)

Bắc Ninh tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường 2019 - 2025. (Nguồn Internet)

Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025, tiếp tục thực hiện đến năm 2030, khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về làm sạch môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Từ khi bắt tay thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ môi trường; tổ chức sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới hàng năm; đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố đến năm 2025; “Toàn dân hành động vì môi trường sạch”. Đồng thời xây dựng, phê duyệt các đề án: “Nâng cao năng lực thu gom xử lý nước thải đô thị trên địa bàn TP Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”, “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Bắc Ninh, giai đoạn 2021-2025”, Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030”.

Tiền Giang

Nhiều năm qua, Tiền Giang đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường và đạt được nhiều kết quả khả quang. Theo ngành chức năng Tiền Giang,tỷ lệ chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý đạt 92,5%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt chuẩn đạt 96,1%; tỷ lệ các cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn là 100%; tỷ lệ rác thải y tế được thu gom và xử lý đạt 100%...

Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98,5%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 80%....

 Bảo vệ môi trường ở Tiền Giang hướng đến phát triển bền vững. (Nguồn Internet)

Bảo vệ môi trường ở Tiền Giang hướng đến phát triển bền vững. (Nguồn Internet)

Tháng 1/2024, UBND tỉnh Tiền Giang phát động Cuộc vận động "Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường". Theo đó, Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình môi trường mang lại hiệu quả cao cũng đã được hình thành để thực hiện và nhân rộng, như: “Đoạn đường không rác”, “Đường hoa nhà hoa”, “Thu gom rác thải sinh hoạt”… ở khu dân cư. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững. Quan tâm đến việc tái chế, tái sử dụng chất thải, thu gom xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, vì một môi trường nông thôn bền vững…

Hà My (t/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/5-dia-phuong-dung-dau-ca-nuoc-ve-chi-so-bao-ve-moi-truong-da-trien-khai-nhung-gi-88326.html