4 nguyên nhân khiến giá vé máy bay tiếp tục tăng cao

Không chỉ tại Việt Nam, giá vé máy bay toàn cầu cũng đang tăng mạnh, thậm chí, giá vé máy bay trong nước còn thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng cao nằm trong xu hướng chung trên thế giới . Ảnh: Hoàng Anh.

Giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng cao nằm trong xu hướng chung trên thế giới . Ảnh: Hoàng Anh.

Bay nước ngoài có thật rẻ hơn trong nước?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp nhận định, chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay.

Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000 - 4.000USD, hiện đã lên đến 9.000 - 11.000USD. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750 - 900USD lên từ 1.700 - 2.100USD tùy từng thời điểm.

Theo ông Kỳ, thời gian qua, có nhiều thông tin sai lệch, sau đó biến thành quy chụp dẫn đến nhiều người hiểu nhầm rằng giá máy bay nước ngoài rẻ hơn trong nước.

Nhiều dẫn chứng các đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài và cho rằng, ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi một mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến.

Hiểu đúng về việc giá vé máy bay tăng cao

Hiện chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan giá mềm. Nguyên nhân là do Thái Lan tổ chức du lịch theo từng gói sản phẩm "3 trong 1" hay "4 trong 1".

Mỗi cấu phần sản phẩm đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú và chủ yếu là mua sắm.

Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành gói gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ Thái Lan có thể làm được.

"Giá vé máy bay cả thế giới đều tăng chứ không chỉ Việt Nam. Nếu nói bay quốc tế rẻ hơn bay nội địa là chưa thật sự theo sát ngành", ông Kỳ nói.

Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting - công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia - cũng chỉ ra rằng, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019.

Cụ thể, giá vé châu Á tăng 21%; Úc/New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

Thống kê giá vé máy bay hạng phổ thông theo cặp thành phố của một số khu vực trên thế giới từ cuối năm 2023 cũng đã tăng, có chặng lên đến 40% so với năm 2019.

Đơn cử như đường bay Thượng Hải - Singapore tăng 10%, Mumbai - New Delhi tăng 20%, Mumbai - London tăng 20%, New York - Frankfurt tăng 17%, Los Angeles - New York tăng 40%, Dublin - London tăng 26%, Frankfurt - Madrid tăng 15%, New York - London tăng 14%.

So sánh giá vé máy bay nội địa Việt Nam với một số nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á của Tổng cục Hàng không Việt Nam cũng cho thấy, mức giá vé máy bay trên một số đường bay trong khu vực Đông Nam Á đều tương đồng với giá vé của Vietnam Airlines. Thậm chí, giá vé của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

Lấy ví dụ tại đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé/km của Vietnam Airlines phổ biến là 0,08USD/km, cao nhất là 0,12USD/km.

Mức giá này thấp hơn một chút so với giá của đường bay Bang kok - Phuket của hãng hàng không Thai Airways, phổ biến ở mức 0,1USD/km, cao nhất 0,29USD/km.

Tại Trung Quốc, đường bay Shanghai - Quangzhou của China Southern có giá phổ biến 0,27USD/km, cao nhất 0,3USD/km.

Với đường bay Tokyo - Fukuoka của hãng hàng không All Nippon, Nhật Bản, mức giá phổ biến là 0,13USD/km, cao nhất là o,43USD/km.

Tại châu Âu, đường bay Paris - Bordeaux của Air France (Pháp) có mức giá cao gấp hơn ba lần với giá phổ biến ở mức 0,35USD/km và cao nhất lên đến 0,93USD/km.

Tại Mỹ, đường bay LosAngeles - Sanfrancisco của hãng hàng không Delta cũng cao gấp đôi với giá phổ biến là 0,2USD/km và cao nhất là 0,25USD/km.

Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh

Có thể thấy, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng cao đang nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới.

Bên cạnh đó là việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Theo nghiên cứu và đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.

Có bốn nguyên nhân chính lý giải cho điều này, thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.

Khởi nguồn cho việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing. Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới.

Trong khi đó, Boeing cũng đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm chễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không.

Giá vé máy bay tăng mạnh, vì sao?

Tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội tàu bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.

Thứ hai, chi phí nhiên liệu tàu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe đang tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tiếp tục đặt áp lực này lên giá vé.

Về điều này, diễn biến thực tế của giá nhiên liệu hàng không nói riêng và giá nhiên liệu cho vận tải (xăng, dầu) trong thời gian qua luôn ở mức cao hơn trước đây, trung bình 30-40USD/đơn vị nhiên liệu. Mức giá này sẽ rất khó trở lại như trước để kỳ vọng có thể góp phần hạ giá thành vận chuyển.

Bên cạnh đó, trong những năm tới đây, với các cam kết của các quốc gia, kèm theo đó là tiêu chuẩn ngày càng cao hơn khí thải và bảo vệ môi trường thì chi phí nguyên liệu “xanh” cũng sẽ gia tăng.

Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn “du lịch trả thù” của hành khách sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ, sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.

Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện do việc chuyển dịch lao động sang các khu vực khác xảy ra từ thời điểm hoạt động hàng không bị tạm ngưng, gián đoạn thời Covid-19.

Vấn đề thiếu hụt này, đặc biệt với bộ phận nhân lực có kinh nghiệm thực tế, đã làm phát sinh các chi phí không chỉ trong việc đào tạo, bổ sung lực lượng, mà còn đi cùng sự gia tăng các chi phí để duy trì ổn định nguồn nhân lực hiện hữu.

Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc giá vé máy bay được dự báo giữ xu hướng tăng lên còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu hiện nay, như các áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không.

Xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực cũng làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay khiến giá vé tăng cao.

Theo AAPA, những vấn đề trên sẽ là những gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung. Điều này là cơ sở cho các dự báo về xu hướng tăng giá vé trong thời gian tới sẽ vẫn tăng mạnh.

Đồng quan điểm, FCM Consulting cũng cho rằng, với tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại các cảng hàng..., giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/4-nguyen-nhan-khien-gia-ve-may-bay-tiep-tuc-tang-cao-1716637476654.htm