4 lĩnh vực ưu tiên đề xuất trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

Dựa trên các tiêu chí hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng; kéo dài vòng đời của sản phẩm và phần liệu; giảm phát thải và rác thải ra môi trường; không gây tác động xấu về môi trường, có 4 lĩnh vực ưu tiên được đề xuất trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn lần thứ 3 (năm 2024) diễn ra sáng 10/12/2024, thông tin về kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh “kinh tế tuần hoàn có đóng góp lớn với nền kinh tế thế giới, giảm 40% lượng khí thải vào năm 2050 và tạo ra 6 triệu việc làm, giảm rác thải rắn đô thị khoảng 4,5 tỷ tấn/năm xuống còn 2 tỉ tấn.

4 TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG ĐỂ THỰC HIỆN KINH TẾ TUẦN HOÀN

“Kinh tế tuần hoàn trên thế giới đã được khẳng định là một mô hình kinh tế giúp có thể đạt được mục tiêu giảm rác thải và phát thải ròng về 0 vào năm 2050”. Ông Thọ nhấn mạnh và cho biết hiện nay trên thế giới đã có 49 quốc gia xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và thực hiện chiến lược hành động quốc gia phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được quy định từ rất sớm, đặc biệt, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 142) đã quy định cụ thể các tiêu chí để thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó khẳng định 4 tiêu chí quan trọng. Cụ thể là hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng; kéo dài vòng đời của sản phẩm và phần liệu; giảm phát thải và rác thải ra môi trường; không gây tác động xấu về môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024.

Dựa trên cơ sở các tiêu chí này, trong thời gian vừa qua, Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường đã quy định cụ thể về tiêu chí kinh tế tuần hoàn; trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn; lộ trình thực hiện kinh tế tuần; cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có rất nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cụ thể như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, phân loại rác thải của nguồn; thu phí rác thải dân thải lượng; dán nhãn xanh. Cùng với đó là các quy định về trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh và chi trả dịch vụ hệ sinh thái dựa trên cơ sở nguyên tắc người phát thải phải trả phí.

“Mô hình kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên cơ sở 4 tiêu chí trên là cơ sở nền tảng để Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua”.

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh điều này và cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xây dựng khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như xây dựng cách thức vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức.

Với sự hỗ trợ của UNDP, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng cổng thông tin kinh tế tuần hoàn Việt Nam để chia sẻ các kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới cũng như các quy định pháp luật và cách thức để các nước xây dựng chiến lược và kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Cũng trong Điều 142 của Luật đã quy định rõ các bộ, ban, ngành và địa phương phải thích hợp kinh tế tuần hoàn vào trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của mình. Còn với các doanh nghiệp phải tích hợp kinh tế tuần hoàn vào trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trong thời gian qua, cùng với việc xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, một số địa phương như Huế đã xây dựng kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn của địa phương được sự hỗ trợ UNDP. Các công cụ chính sách có thể sử dụng trong mô hình kinh tế tuần hoàn tập trung vào nhà sản xuất, người tiêu dùng để thay đổi hành vi, đổi mới thông nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, phân phối và thu hồi và thúc đẩy nền kinh tế môi trường trung gian để có thể cung cấp được công nghệ, thiết bị và sản phẩm về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Ví dụ như Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các kế hoạch để tổ chức triển khai mô hình về kinh tế tuần hoàn. Trong đề án thực hiện kinh tế tuần hoàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu cụ thể các nội dung cần phải tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

CÁC TRỤ CỘT CHÍNH VÀ LĨNH VỰC ƯU TIÊN

Dựa trên cơ sở quy định này, Bộ Tài nguyên Môi trường đã hình thành dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tập trung vào 4 tiêu chí trên.

Trong các lĩnh vực về kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài nguyên Môi trường tập trung vào các trụ cột chính. Theo dòng thải sẽ tập trung vào rác thải nhựa, kim loại, gỗ, giấy và các loại sinh khối khác. Đối với các ngành hàng, tập trung chủ yếu liên quan tới đóng gói bao bì thực phẩm và đặc biệt là nhựa.

Các tâp trung này theo các xu hướng hiện nay trên thế giới đang ưu tiên. Cụ thể đó là các lĩnh vực lượng thực thực phẩm chiếm 33% phát thải toàn cầu; lĩnh vực xây dựng, xây dựng xanh chiếm 8- 10% phát thải toàn cầu; lĩnh vực giao thông vận tải chiếm 8-10% phát thải toàn cầu.

Đối với lĩnh vực dệt may trong thời gian cuối năm 2022 và năm 2023 đã chứng kiến sự sụt giảm 10% xuất khẩu. Trong lĩnh vực dệt may, mỗi năm thế giới sản xuất ra 100 tỉ sản phẩm nhưng tạo 92 triệu tấn rác thải rắn, sử dụng 93 tỉ mét khối nước và phát thải 8% toàn cầu.

Đây là 4 lĩnh vực ưu tiên được đề xuất trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn dựa vào các tiêu chí trên.

Thông tin về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện kinh tế tuần hoàn tới năm 2030 và 2035, ông Thọ cho biết trong dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn có lộ trình chuẩn bị và thực hiện cho từng nhiệm vụ. Ví dụ Việt Nam đã có lộ trình cho việc thực hiện mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; có lộ trình phân loại rác thải tại nguồn sẽ thực hiện thì ngày 1/1/2025.

Liên quan đến báo cáo kiểm kê phát thải, theo quy định, đến tháng 3/2025, các doanh nghiệp (2.166 đơn vị) sẽ phải thực hiện việc kiểm kê, báo cáo phát thải nhà kính.

Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường thông tin trong các lĩnh vực này, hệ thống lương thực là ưu tiên hàng đầu để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong công nghiệp sẽ ưu tiên các lĩnh vực sắt, thép, xi măng có mức phát thải lớn sẽ phải thực hiện đồng xử lý chất thải, giảm tỷ lệ phát thải.

Ông Thọ nhấn mạnh, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ trao lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam để đạt được mục tiêu phát thải cho bằng 0 vào năm 2050; đồng thời giảm rác thải, nhất là rác thải tới các bãi chôn lấp và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn kéo dài vòng đời của sản phẩm và tái sử dụng rác như một nguồn tài nguyên, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Dự kiến thời gian tới Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 sẽ được ban hành.

Ông Thọ nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nay là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh cần phải có Nghị quyết về kinh tế tuần hoàn và Luật về kinh tế tuần hoàn trong tương lai để triển khai thành công mô hình này.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/4-linh-vuc-uu-tien-de-xuat-trong-ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-kinh-te-tuan-hoan.htm