3 kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ

Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển khoa học, góp phần vào thành công chung của đơn vị.

Những năm qua, Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp đã vận động, phát huy sáng kiến, cải tiến của nhà khoa học, người lao động trong Viện nhằm chủ động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, có hàm lượng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm khoa học - công nghệ tương đương với sản phẩm nhập khẩu và chuyển giao vào sản xuất thực tiễn.

Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua công đoàn cơ sở vững mạnh, có phong trào thi đua xuất sắc

Báo cáo của Công đoàn Viện về những kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như: Cụm công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm sản phẩm cơ điện tử trong công nghiệp” bao gồm 51 sản phẩm cơ khí mới đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2005); Công trình “Nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất găng tay phẫu thuật y tế từ cao su thiên nhiên Việt Nam” được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2011), cùng nhiều giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Vifotec.

Trong 5 năm gần đây, những kết quả nổi bật về khoa học - công nghệ của Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp đó là: Chế tạo thành công dây chuyền thiết bị (gồm nhiều thiết bị thành phần) để chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây hoàn chỉnh, phục vụ xuất khẩu. Đây là kết quả của dự án “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”. Dây chuyền thiết bị được Viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty cổ phần chè San tuyết (Yên Bái) năm 2019 và tiếp tục được ứng dụng tại các đơn vị ở huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Viện cũng gây tiếng vang lớn với sản phẩm là các trạm trộn bê tông siêu tính năng (UHPC) cố định và di động phục vụ thi công các mặt cầu, dầm cầu nông thôn trên cơ sở sử dụng bê tông siêu tính năng. Viện đã, đang phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Xây dựng, Hội bê tông Việt Nam xây dựng kiểu dáng độc quyền và đăng ký sáng chế độc quyền cho các thiết bị sản xuất bê tông UHPC này tại Việt Nam. Trạm trộn bê tông siêu tính năng kiểu di động đã được ứng dụng trong công trình cải tạo mặt cầu Thăng Long năm 2020, giúp tiết kiệm tới 30 tỷ đồng nhờ việc giảm thiểu đầu tư nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài.

Ngoài ra, Viện còn chủ động tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi chế tạo thành công hệ thống vận chuyển, kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng robot công nghiệp. Hệ thống này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp với giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội…

Trong lĩnh vực đo lường công nghiệp, Viện ứng dụng các hệ thống cân định lượng độ chính xác và ổn định cao của hãng Schenck Process Europe GmbH, tạo ra các sản phẩm cân bằng định lượng, cân cấp than đầu lò, cân tro bay, cân bột sống... hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm tại các nhà máy xi măng trong cả nước như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng Bình Phước, Nhà máy xi măng Tân Quang…

Nhằm thực hiện Đề án Tái cơ cấu Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sản phẩm khoa học - công nghệ định hướng của Viện là các dây chuyền sản xuất đồng bộ, gồm: Dây chuyền sản xuất cống tròn, dây chuyền sản xuất cọc bê tông tự động, dây chuyền sản xuất tấm sàn, bê tông cấu kiện, dây chuyền sản xuất vữa khô, dây chuyền sản xuất phân bón NPK, dây chuyền chế biến dược liệu…; hệ thống cấp liệu dây chuyền sản xuất đá thạch anh, hệ thống trộn bột, hệ thống ngâm tẩm thạch anh, hệ thống xử lý nước tuần hoàn, hệ thống nghiền bột siêu mịn, hệ thống sản xuất vôi công nghiệp, hệ thống cân định lượng của hãng Schenck Process Europe GmbH…; phát triển các sản phẩm truyền thống (máy hàn lồng, trạm trộn bê tông, máy quấn dây...) tiến tới xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường thế giới.

Để cùng chuyên môn thực hiện thành công các định hướng trên, Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Động viên, khích lệ nhà khoa học, người lao động liên tục sáng tạo, học tập nâng cao năng lực chuyên môn, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất tạo ra các sản phẩm cơ điện tử theo định hướng của Viện, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp sẵn có về cơ sở vật chất, năng lực công nghệ về cơ điện tử đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với chuyển giao ứng dụng kết quả vào sản xuất; phát triển sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số, thời đại kỹ thuật số của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhằm tạo ra sức mạnh mới, làm động lực cho việc phát triển.

Theo đó, công đoàn đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm trao đổi, học tập chuyên môn, giao lưu, động viên, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các đơn vị và cán bộ công nhân viên của Viện.

Đặc biệt, thường xuyên đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư tình cảm của người lao động, cũng như có biện pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công việc chuyên môn, trong cuộc sống; động viên, khen thưởng kịp thời cán bộ công nhân viên có sáng kiến làm lợi cho công ty và đạt thành tích cao trong phong trào thi đua.

Một trong những sản phẩm cơ điện của Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp

Mặc khác, tiếp tục bám sát chỉ đạo của công đoàn cấp trên và kế hoạch sản xuất kinh doanh của Viện để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, phong trào cụ thể cho từng giai đoạn, năm, các quý của Công đoàn Viện và các công đoàn cơ sở.

Từ thực tế hoạt động, đại diện Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra trong tổ chức hoạt động công đoàn: Thứ nhất, hoạt động trọng tâm của công đoàn trong Viện nghiên cứu là tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm tạo tạo ra sản phẩm khoa học – công nghệ ứng dụng vào sản xuất gắn với chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, công đoàn phải là đầu mối gắn bó hữu cơ cán bộ nghiên cứu khoa học với các đơn vị thành viên: Cán bộ khoa học tham gia đề tài nghiên cứu khi chuyển giao bản quyền cho công ty thành viên được mua cổ phần ưu đãi, do vậy, hầu hết cán bộ của Viện là cổ đông tại các công ty thành viên và cán bộ công nhân viên tiếp tục nhận được thành quả nghiên cứu thông qua lợi tức từ cổ phần sở hữu tại các công ty thành viên.

Thứ ba, hoạt động của công đoàn luôn gắn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế. Thực tế thời gian qua, Công đoàn Viện đã tổ chức triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ để tiếp nhận, cung cấp giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các đơn vị sản xuất trong nước và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cung cấp cho khách hàng...

Công đoàn Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ công đoàn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho cán bộ công đoàn; tăng cường phong trào nghiên cứu khoa học trong các đơn vị sản xuất toàn ngành công thương để góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/3-kinh-nghiem-trong-nghien-cuu-va-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-317283.html