2 tình huống pháp lý trong vụ tố CSGT quơ đèn pin làm bé trai chảy máu

Theo luật sư, để kết luận vụ việc, cơ quan chức năng cần giám định vết thương bé trai, trích xuất camera, lấy lời khai nhân chứng và cho các bên liên quan đối chất.

Vừa qua, chị chị Huỳnh Thảo Sương (32 tuổi) đăng thông tin trên Facebook cá nhân tố “CSGT đánh dân”. Theo bài viết, khoảng 21h ngày 20/10, chị Sương cùng chồng là anh Nguyễn Hoài Việt (31 tuổi, ngụ ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đưa con trai Minh Khôi (5 tuổi) từ đi TP.HCM khám bệnh bằng xe máy.

Khoảng 23h, khi xe đến đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn qua địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng anh Việt không chấp hành mà tiếp tục di chuyển.

Đi khoảng 300 m, hai vợ chồng nghe tiếng con khóc, mặt chảy nhiều máu nên đưa vào Bệnh viện huyện Châu Thành. Hai người này suy đoán rằng CSGT quơ đèn pin trúng mặt đứa trẻ khiến cháu bé bị chảy máu (bé lúc đó đang ngủ, được chị Sương bế trên tay).

Còn CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết tổ CSGT làm nhiệm vụ hôm đó không dừng phương tiện của anh Việt và cũng khẳng định không quơ đèn pin vào mặt cháu bé. Riêng chị Sương, người đăng tin tố cáo trên Facebook cá nhân, đang chăm con tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nên Công an huyện Châu Thành chưa tiếp xúc.

Vậy vụ việc sẽ được xác minh, xử lý như thế nào?

Ảnh trên trang Facbook cá nhân bà Sương.

Luật sư Lê Thị Bích Hải - Công ty Luật TNHH Hãng Luật Hưng Yên:

Trước việc 2 bên cung cấp thông tin mâu thuẫn nhau, cơ quan chức năng cần xác minh, thu thập các chứng cứ, tài liệu có giá trị để chứng minh thực tế vụ việc. Cụ thể, cần giám định vết thương trên mặt cháu bé để xác định nguyên nhân thương tích có phải đèn pin gây ra hay không. Bên cạnh đó, có thể trích xuất hình ảnh từ camera giao thông trên cao tốc (nếu có), kết hợp lấy lời khai các nhân chứng tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Quan trọng hơn, phía người tố cáo là chị Sương và tổ CSGT huyện Châu Thành cần đối chất. Tổ CSGT cũng phải cung cấp lịch trình di chuyển để làm cơ sở xác định tính khách quan của vụ việc. Sau quá trình điều tra, có 2 tình huống pháp lý có thể xảy ra:

1. Nếu có căn cứ xác định đèn pin của CSGT đã va vào mặt cháu bé:

Tình huống này xảy ra có thể do CSGT cố ý hoặc vô ý khiến đèn pin tác động mạnh vào mặt cháu bé. Mỗi trường hợp cụ thể sẽ đối diện với khung hình phạt khác nhau dựa trên mức độ thương tật của nạn nhân.

Trường hợp CSGT chỉ vì vô ý làm đèn pin va vào mặt cháu bé, nếu mức độ thương tích chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì CSGT có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Ngoài ra, CSGT phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị hại. Dựa vào quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được xếp vào một trong các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Nếu chẳng may thương tích của cháu bé trong khoảng 31-60%, chiến sĩ CSGT gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 139 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người liên quan có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trong trường hợp có căn cứ xác định CSGT cố ý làm đèn pin va vào cháu bé, người gây ra vụ việc sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị hại. Mức phạt này chỉ áp dụng khi người gây ra sự việc chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dựa vào Điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Còn nếu hành vi cố ý gây thương tích của CSGT để lại thương tật 31-60% cho cháu bé thì chế tài hình sự sẽ được áp dụng. Dựa vào Điều 137 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, CSGT trong trường hợp này có thể bị xử lý về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Hình phạt áp dụng là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

2. Nếu có căn cứ xác minh tố cáo của người mẹ là không có cơ sở:

Lúc này, việc định tội căn cứ động cơ của người tố cáo. Trong trường hợp người mẹ có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Còn nếu người mẹ bịa đặt hoặc lan truyền thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chiến sĩ CSGT hoặc bịa đặt chiến sĩ CSGT phạm tội để tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, với hành vi vu khống người đang thi hành công vụ, người phạm tội có thể bị phạt tù 1-3 năm (Điểm d, Khoản 2 Điều 155 BLHS). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Thùy Dung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/2-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-to-csgt-quo-den-pin-lam-be-trai-chay-mau-post1369668.html