Yếu tố Trung Quốc trong thảm họa kinh tế Sri Lanka
Di sản của Bắc Kinh ở Colombo sẽ còn là một dấu mốc cho nhiều năm sắp tới. Đây là sự sụp đổ lớn, không được kiểm soát, đầu tiên ở nơi mà Trung Quốc là bên cho vay bao trùm.
Việc trốn chạy trong hoảng loạn khỏi đất nước và việc từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai anh em từng phủ bóng lên nền chính trị Sri Lanka trong hơn một thập niên, xảy đến giữa sự sụp đổ kinh tế dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối của đông đảo người dân.
Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín bầu tổng thống mới của Quốc hội, ông cựu Thủ tướng, Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe sẽ phải lãnh đạo một chính phủ đoàn kết đang lung lay để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới và nhận lấy công việc khó khăn là đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sri Lanka đã phá sản, không có tiền để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu bao gồm thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, một phần vì không trả được lãi nợ do cạn sạch ngoại tệ. Lạm phát phi mã khiến một bộ phận lớn trong dân số 22 triệu người cần cứu trợ lương thực. Trường học và nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa trong khi người dân phải xếp hàng dài để chờ mua xăng.
Với phần còn lại của thế giới, Sri Lanka đã trở thành câu chuyện cảnh báo về điều hành chính phủ sai lầm và vận rủi. Sự hoang phí của anh em nhà Rajapaksa cùng với kế hoạch sai lầm biến ngành công nghiệp nông nghiệp thành ngành nông nghiệp duy nhất hữu cơ đã đụng phải một loạt yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này. Những yếu tố đó còn bao gồm tác động rộng lớn của đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch mang tính sống còn bị sụp đổ, tiếp đến là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn và đẩy nhanh vòng xoáy lạm phát kéo nền kinh tế Sri Lanka xuống vực thẳm.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng những quốc gia nợ đầm đìa, từ Lào ở Đông Nam Á đến Kenya ở châu Phi, đang tiến tới số phận tương tự. “Các quốc gia có mức nợ cao và không gian giới hạn cho chính sách sẽ phải đối mặt với căng thẳng thêm nữa. Không cần nhìn đâu xa hơn Sri Lanka để nhận ra tín hiệu cảnh báo”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói tại hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G20 mới đây.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mahinda Rajapaksa tại sân bay Colombo khi ông Tập đến thăm Sri Lanka tháng 9.2014 - Ảnh: Eranga Jayawardena/AP
Theo tờ Washington Post mới đây, một trong những tay chơi chính trong thảm kịch Sri Lanka là Trung Quốc. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của nước này, chiếm khoảng 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka. Giữa năm 2000 và 2020, Trung Quốc mở rộng cho chính phủ Sri Lanka vay với gần 12 tỉ USD, phần lớn là cho một loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn mà rút cục chỉ là những con “voi trắng” (thứ của nợ vô dụng), bao gồm một cảng biển đắt đỏ ở thành phố Hambantota, quê nhà của gia tộc Rajakaksa, đã nhượng quyền kiểm soát cho phía Trung Quốc cách nay nửa thập niên sau khi chính quyền Sri Lanka thừa nhận họ không còn khả năng trả nợ vay.
Tuy vậy, sau khi đã bỏ ra những khoản tiền lớn để trở thành chủ nợ trong thực tế của nhiều ước đang phát triển, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc trong những năm gần đây quan tâm hơn tới việc thu nợ. Nền kinh tế phát triển chậm lại ở trong nước đã làm giảm ham muốn chịu rủi ro ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Nhưng Sri Lanka đã bước vào cái mà những nhà phê bình gọi là ngoại giao “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Năm 2020 Sri Lanka nhận được khoản tín dụng dễ dãi 3 tỉ USD từ Trung Quốc để trả các khoản nợ đang gánh. Sri Lanka đã chọn con đường đó thay vì thực hiện những bước đi đau đớn hơn là tái cấu trúc các khoản nợ thông qua đàm phán với IMF và thúc đẩy các biện pháp khắc khổ để làm yên lòng Câu lạc bộ Paris gồm 22 quốc gia giàu có là những chủ nợ lớn của thế giới. (Trung Quốc không phải là thành viên CLB này do những tham vọng địa chính trị riêng và vì không ưa những quy định do các cường quốc khác đặt ra).
Đó dường như là một sai lầm. “Thay vì sử dụng những dự trữ hạn chế mà chúng tôi có và tái cơ cấu nợ trước thì chúng tôi lại tiếp tục trả nợ cho đến khi cạn sạch toàn bộ dự trữ”, Ali Sabry, Bộ trưởng Tài chính tạm quyền từ tháng 4 đến tháng 5 của Sri Lanka nói với báo Wall Street Journal. “Nếu bạn có đầu óc thực tế, bạn đã phải đến với IMF ít nhất 12 tháng trước”.
Các khoản vay từ Trung Quốc cũng phủ bóng lên những nước khác bị nợ tàn phá. Trung Quốc chiếm khoảng 30% nợ nước ngoài của Zambia. Hàng tỉ USD được Trung Quốc tài trợ cho một nhà máy thủy điện và hạ tầng đường sắt đang khiến Lào tiến gần đến chỗ vỡ nợ.
Quan chức Trung Quốc và các nhà bình luận nhà nước bác bỏ sự chỉ trích của phương Tây về những phương pháp của họ, nói rằng nó "bốc mùi thực dân".
Trong trường hợp Sri Lanka, Trung Quốc không phải là chủ nợ duy nhất. Ấn Độ và Nhật Bản, trong số các quốc gia khác, chiếm một phần đáng kể trong khối nợ của Sri Lanka và đang mắc kẹt trong những cuộc thương lượng phức tạp về trả nợ vay và viện trợ. Nhưng sự cam kết của Trung Quốc với đất nước này dễ thấy hơn và thành vấn đề hơn, Alan Keenan của Tập đoàn Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) nói. Điều đó bao gồm “sự ủng hộ chính trị tích cực đối với gia tộc Rajapaksa cầm quyền và các chính sách của họ… Những thất bại chính trị này nằm ở trung tâm của của sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka, và đất nước này ít có khả năng thoát khỏi cơn ác mộng hiện tại cho đến khi thay đổi hiến pháp và xây dựng được một nền văn hóa chính trị dân chủ hơn”, Keenan nói với đài BBC.
Di sản của Bắc Kinh ở Colombo sẽ còn là một dấu mốc cho nhiều năm sắp tới. “Đây là sự sụp đổ lớn, không được kiểm soát, đầu tiên ở nơi mà Trung Quốc là bên cho vay bao trùm”, báo Sydney Morning Herald viết. “Nó mở ra những câu hỏi lớn về việc nước này sử dụng sức mạnh mới của mình như thế nào liên quan đến số phận của các quốc gia vào thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất”.