Yêu cầu nhà trường phải công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tuyển sinh
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường phải thiết lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong công tác tuyển sinh.
Theo hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 đối với các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành, tất cả các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non đều được thanh tra, kiểm tra.
Đáng chú ý, đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là thiết lập và công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong công tác tuyển sinh; gửi báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh ngay sau khi kết thúc công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh về Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT lưu ý, nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố, công khai đề án tuyển sinh; tổ chức thi tuyển sinh; công tác xét tuyển; nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển.
Trong đó, với việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung thanh tra, kiểm tra vào việc xác định, phân bổ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức tuyển sinh theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các đơn vị trong quá trình tổ chức thanh tra, kiểm tra cần chú ý đến các tiêu chí xác định chỉ tiêu; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trước Bộ GD&ĐT và xã hội theo quy định.
Các đơn vị cần quan tâm thanh tra, kiểm tra thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo; các ngành và chương trình đào tạo được phép đào tạo; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp; thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác…
Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xác định và tuân thủ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn), đặc biệt là ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, thông tin trên Hà Nội Mới.
Theo Lao Động trước đó, ngày 13/5, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2179/BGDĐT-KHTC gửi các Bộ, cơ quan Trung ương (có cơ sở giáo dục trực thuộc) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025. Đến ngày 11/7, Bộ GD&ĐT có Công văn số 3476/BGDĐT-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí năm học 2024-2025 đến chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2024.
Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.
Trúc Chi (t/h)