Yên Bái xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó chú trọng xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB).
Từ đầu năm tới nay, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trường đầu đàn vật nuôi đảm bảo kế hoạch đề ra. Hiện tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh ước đạt 831.352 con, đạt 95,3% kế hoạch; đàn gia cầm ước đạt 7,4 triệu con, đạt 98% kế hoạch. Chăn nuôi theo hướng tập trung, chuỗi khép kín ngày càng phát triển; chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ đang có xu hướng giảm.
Hiện toàn tỉnh có 1.086 trang trại chăn nuôi; trong đó có 12 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 52 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, còn lại là trang trại quy mô nhỏ. Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó chú trọng xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDB.
Đồng chí Đàm Duy Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Hàng năm, đơn vị phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn; tổ chức giám sát, thẩm định, kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, phối hợp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, đánh giá sau tiêm phòng vắc xin; giám sát an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật; quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật bảo đảm yêu cầu ATDB”.
Với sự chủ động của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 14 cơ sở chăn nuôi ATDB, trong đó có 9 cơ sở ATDB với bệnh lở mồm long móng các trang trại chăn nuôi lợn. Lợi ích của việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB đó là được làm ngay thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh khi làm thủ tục kiểm dịch; được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Tuy nhiên, số lượng cơ sở chăn nuôi ATDB trên địa bàn hiện còn hạn chế. Đặc biệt, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được vùng ATDB động vật (vùng an toàn dịch bệnh phạm vi 1 xã hoặc 1 huyện).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn phổ biến. Hiện mới chỉ có các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chủ động đăng ký xây dựng cơ sở ATDB, còn các trang trại, gia trại quy mô nhỏ chưa thực sự quan tâm, một phần vì giá bán sản phẩm từ cơ sở ATDB chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm bình thường.
Thời gian tới, để công tác xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi dịch bệnh đạt kết quả cao, ngành thú y, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tập huấn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi ATDB; thông tin truyền thông phổ biến kiến thức về ATDB, hướng dẫn các hộ chăn nuôi về những quy định và cách thức đăng ký tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch xây dựng các khu trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; khuyến khích cơ sở chăn nuôi đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường trong quá trình sản xuất.