Cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lượng phản ứng nhanh (RSF) đã khiến ít nhất 97 dân thường và 45 binh sĩ thiệt mạng, theo một nhóm bác sĩ, các cuộc không kích và đụng độ ở thủ đô đã lan sang các vùng khác của Sudan.
Các cuộc công kích đã làm khói bốc lên bao trùm thủ đô Khartoum và người dân cho biết các cuộc không kích, pháo kích và tiếng súng đã phá hủy các dịch vụ thiết yếu, làm hư hại các bệnh viện trong thành phố.
Các cuộc đụng độ ở Khartoum và các thành phố lân cận như Omdurman và Bahri kể từ hôm 15/4 là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và có nguy cơ chia cắt Sudan thành hai phe quân sự, để tranh giành quyền lực trong quá trình chuyển đổi chính trị khó khăn.
Bạo lực tiếp tục xảy ra có thể gây bất ổn cho các khu vực xung quanh và dẫn đến sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực đã liên kết với các bên khác nhau ở Sudan.
Ngày 16/4, RSF và nhóm dân quân (DTY) tuyên bố đã chiếm được một sân bay và các căn cứ quân sự, trong khi quân đội tuyên bố họ đã kiểm soát được trụ sở chính, bất chấp những cuộc giao tranh nhỏ ở các khu vực xung quanh.
Không có dấu hiệu nào cho thấy các bên nào sẵn sàng lùi bước. Quân đội Sudan đã tăng cường sức mạnh không quân trong các khu vực lân cận Khartoum và các thành phố khác.
Lực lượng không quân Sudan yêu cầu người dân ở trong nhà trong khi họ tiến hành khảo sát trên không về hoạt động của RSF. Cùng lúc, thủ đô Khartoum yêu cầu đóng cửa trường học, ngân hàng và trụ sở cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, ở Darfur các cuộc đụng độ giữa các phe tham chiến làm dấy lên nỗi ám ảnh về xung đột ở các tỉnh phía tây, kể từ năm 2003 nơi này đã bị ảnh hưởng bởi nhiều năm xung đột quân sự đẫm máu khiến 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người phải sơ tán.
Các văn phòng, trường học và trạm xăng đã đóng cửa, trong khi các dịch vụ y tế phải đối mặt với các vấn đề thiếu hụt trang, thiết bị; 4 bệnh viện lớn được cho là đã bị hư hại và 2 bệnh viện ngừng hoạt động do đụng độ.
Các cây cầu nối Khartoum với Omdurman và Bahri bắc qua hai nhánh chính của sông Nin đã bị xe bọc thép phong tỏa và một số con đường dẫn đến thủ đô không thể đi qua.
Phát biểu trên đài truyền hình Al Jazeera, tướng Burhan kêu gọi RSF rút lui. “Chúng tôi nghĩ rằng nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ rút quân khỏi Khartoum. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ phải triển khai quân từ các khu vực khác đến Khartoum”.
Tướng Dagalo, người được biết đến rộng rãi với tên Hemeti, đã gọi ông Burhan là “tên tội phạm”, “kẻ dối trá”. ông Dagalo nói “Chúng tôi biết ông đang trốn ở đâu và chúng tôi sẽ bắt được ông và đem ông ra trước công lý”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án sự leo thang xung đột ở Sudan và kêu gọi các bên bình tĩnh trở lại, ông cảnh báo rằng tình hình nhân đạo vốn đã bấp bênh nay càng trở nên thảm khốc.
Lê Quang