Xung đột Israel-Hamas và nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục hình ảnh trên trường quốc tế

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực khôi phục uy tín của Mỹ, trong bối cảnh hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế phần nào bị ảnh hưởng liên quan cuộc xung đột Israel-Hamas.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực khôi phục uy tín của nước Mỹ trong bối cảnh hình ảnh Mỹ trên trường quốc tế đang phần nào bị ảnh hưởng liên quan cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine), theo hãng tin AFP.

Thế khó xử của Mỹ vì chiến sự Gaza

Theo tờ The New York Times, nếu như trong cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ được ca ngợi đã lãnh đạo tập hợp các đồng minh ủng hộ Kiev thì cuộc xung đột Israel-Hamas lại khiến hình ảnh của Mỹ bị ảnh hưởng.

Cựu đại sứ Barbara Bodine - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Ngoại giao tại ĐH Georgetown (Mỹ) - cảnh báo rằng Mỹ có thể đánh mất thiện chí toàn cầu mà nước này có được nhờ phản ứng đối với xung đột Nga-Ukraine.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Khi Mỹ bảo vệ lợi ích của Israel tại Liên Hợp Quốc (LHQ), tán thành mục tiêu tiêu diệt Hamas, cung cấp đạn dược cho Israel, thì phần lớn thế giới coi hành động của Mỹ đang tạo điều kiện cho Israel tiến hành một chiến dịch quân sự chết chóc tại Gaza.

Theo ông Munqith Dagher - Giám đốc khu vực Trung Đông của Hiệp hội Quốc tế Gallup, thời gian gần đây và trước xung đột Israel-Hamas, khoảng 15% đến 30% người dân thế giới Ả Rập có thiện cảm với Mỹ. Ông Dagher cho rằng "thương hiệu” của Mỹ tại khu vực đại diện cho "nhiều điều tốt đẹp, đặc biệt đối với giới trí thức và tầng lớp trung lưu, như dân chủ, nhân quyền và quyền tự do ngôn luận”.

Tuy nhiên chiến sự ở Gaza đã phá vỡ điều đó. Những hình ảnh về chiến sự Gaza tràn lan trên các trang mạng xã hội của các nước Ả Rập bộc lộ "sự thiên vị hoàn toàn của Washington đối với người Israel và sự phủ nhận nhân quyền của người Palestine", theo ông Dagher.

Ông Dagher dẫn kết quả một cuộc khảo sát thực hiện với người dân 6 nước Ả Rập vào tháng trước cho thấy chỉ có 7% tin rằng Mỹ đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột Israel-Hamas.

Mỹ nỗ lực cải thiện hình ảnh

Dù vẫn duy trì hỗ trợ quân sự và bảo vệ ngoại giao cho Israel, chính quyền Tổng thống Biden đã công khai bày tỏ sự thất vọng về việc Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu và Israel không bảo vệ dân thường ở Dải Gaza.

Chính quyền Tổng thống Biden thông tin rằng những áp lực đằng sau hậu trường của Mỹ đã đem lại kết quả khi Israel bắt đầu cho phép đưa nhiên liệu, khôi phục quyền truy cập Internet và mở các cửa khẩu vào Gaza.

Bên cạnh chiến dịch trên không và trên bộ của Israel ở Dải Gaza khiến hơn 20.000 người thiệt mạng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.140 người Israel thiệt mạng và khoảng 250 người bị Hamas bắt làm con tin.

 Khói bốc lên tại TP Khan Younis (Dải Gaza) trong một cuộc oanh tạc của Israel vào ngày 25-12. Ảnh: AFP

Khói bốc lên tại TP Khan Younis (Dải Gaza) trong một cuộc oanh tạc của Israel vào ngày 25-12. Ảnh: AFP

Ông Blinken cũng lưu ý rằng Mỹ đã “làm nhiều hơn các quốc gia khác” trong việc viện trợ Gaza.

“Chính phủ các nước muốn hợp tác với Mỹ và đang tìm kiếm sự lãnh đạo của Mỹ trong cuộc khủng hoảng này, ngay cả những nước bất đồng với chúng tôi về một số vấn đề nhất định” - ông Blinken cho hay.

Trong nỗ lực khôi phục hình ảnh và tránh nguy cơ bị cô lập về ngoại giao, tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 22-12, Mỹ bỏ phiếu trắng nghị quyết “yêu cầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức, an toàn và không bị cản trở ở quy mô lớn trực tiếp cho dân thường Palestine trên khắp Dải Gaza”. Nghị quyết này được Hội đồng Bảo an thông qua với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng (Nga và Mỹ) và không phiếu chống.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xung-dot-israel-hamas-va-no-luc-cua-my-nham-khoi-phuc-hinh-anh-tren-truong-quoc-te-post768672.html