Xứng đáng là 'Thanh bảo kiếm' phòng, chống vi phạm pháp luật trong BĐBP

Ngành Điều tra hình sự (ĐTHS) Quân đội được thành lập ngày 19/11/1948 theo Sắc lệnh số 258/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi ban đầu là 'Lực lượng Công an Quân pháp'; ngày 19/11 hằng năm được công nhận là Ngày truyền thống của ngành ĐTHS Quân đội. Từ khi thành lập đến nay, sau nhiều lần thay đổi về tên gọi và tổ chức, từ năm 1981, tên gọi 'ĐTHS' và hệ thống tổ chức 3 cấp từ cấp bộ, cấp quân khu, quân chủng đến cấp khu vực đã ổn định cho đến nay.

Cơ quan ĐTHS BĐBP và Viện Kiểm sát quân sự BĐBP họp trao đổi giải quyết vụ án. Ảnh: Quang Linh

Cơ quan ĐTHS BĐBP và Viện Kiểm sát quân sự BĐBP họp trao đổi giải quyết vụ án. Ảnh: Quang Linh

Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho ngành ĐTHS trong từng giai đoạn cách mạng có sự khác nhau, nhưng chủ yếu là: Tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị những biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự trong Quân đội; quản lý tình hình vi phạm, tội phạm; tiến hành điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong Quân đội.

Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, ngành ĐTHS còn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý kỷ luật, quản lý, giáo dục, cải tạo hàng binh sau chiến tranh; tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh, đồng thời xây dựng ngành ĐTHS vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với những thành tích đã đạt được, Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành ĐTHS Quân đội, Cục ĐTHS được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Cùng với sự hình thành và lớn mạnh của ngành ĐTHS Quân đội, ngành ĐTHS BĐBP cũng được hình thành và phát triển, tiền thân là bộ phận làm nhiệm vụ điều tra tội phạm nằm trong Viện Kiểm sát quân sự CANDVT. Trước yêu cầu bức thiết phải tổ chức lại lực lượng tư pháp trong CANDVT, ngày 7/11/1978, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 145/KE-BNV thành lập Phòng Quân pháp thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT, nay là Phòng ĐTHS BĐBP. Từ đó, ngày 7/11 hằng năm được Bộ Tư lệnh BĐBP công nhận là ngày truyền thống của ngành ĐTHS BĐBP.

Kể từ khi chính thức được thành lập, trải qua 45 năm, do có sự thay đổi về tổ chức của lực lượng, ngành ĐTHS BĐBP cũng có nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức và tên gọi. Cụ thể, năm 1981 đã đổi tên Phòng Quân pháp CANDVT thành Phòng ĐTHS BĐBP; ngày 6/12/1989, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Phòng ĐTHS trong BĐBP nhưng trực thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Nội vụ về nghiệp vụ và tư cách tố tụng (gọi tắt là Phòng 4 Cục An ninh điều tra); năm 1996, sau khi lực lượng CANDVT chuyển giao về Bộ Quốc phòng đổi tên thành BĐBP, Phòng ĐTHS BĐBP trở lại với ngành ĐTHS Quân đội.

Qua các giai đoạn lịch sử, mặc dù có sự biến động về tổ chức, sự thay đổi về tên gọi, nhưng nhiệm vụ của ngành ĐTHS BĐBP chủ yếu vẫn là: Tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố những biện pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm trong BĐBP; quản lý tình hình vi phạm, tội phạm; tiến hành điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, nhân viên ngành ĐTHS BĐBP được bồi dưỡng, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ đội ngũ cán bộ, điều tra viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực học hỏi, kết hợp giữa học tập qua thực tiễn và đào tạo chính quy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, đến nay, đội ngũ cán bộ của ngành hầu hết có trình độ đại học và trên đại học, không những có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn phát triển lên những cương vị cao hơn ở nhiều cơ quan, đơn vị khác trong Quân đội.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Thủ trưởng Bộ Tham mưu và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục ĐTHS; sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong Bộ Tư lệnh nói chung, Bộ Tham mưu nói riêng, ngành ĐTHS BĐBP luôn được xây dựng, củng cố vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; giữ nghiêm kỷ luật, pháp luật trong lực lượng; góp phần tạo nên những thành tích vẻ vang của lực lượng BĐBP anh hùng.

Với những thành tích đã đạt được, ngành ĐTHS BĐBP được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; 1 Bằng khen của Chính phủ; 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; 9 Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP; 11 năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; 9 năm đạt Đơn vị Tiên tiến (riêng trong 5 năm vừa qua đã 2 năm đạt Đơn vị Quyết thắng, 2 năm đạt Đơn vị Tiên tiến).

Cán bộ Cơ quan ĐTHS BĐBP phối hợp với Công an địa phương khám nghiệm hiện trường vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy. Ảnh: Quang Linh

Cán bộ Cơ quan ĐTHS BĐBP phối hợp với Công an địa phương khám nghiệm hiện trường vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy. Ảnh: Quang Linh

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang đặt ra cho ngành ĐTHS Quân đội nói chung và ngành ĐTHS BĐBP nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tình hình vi phạm, tội phạm và các loại tệ nạn xã hội còn diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, trong những năm tiếp theo, ngành ĐTHS BĐBP cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Một là, phải nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP và cơ quan nghiệp vụ cấp trên; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, quản lý tốt tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trong lực lượng, tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề ra các giải pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm; tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị những chủ trương, biện pháp giáo dục, phòng ngừa có hiệu quả thiết thực; phấn đấu từng bước làm giảm vi phạm, tội phạm, tự tử, tự sát và tai nan giao thông, góp phần xây dựng các đơn vị BĐBP vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, nâng cao sức chiến đấu của toàn lực lượng.

Ba là, chủ động nắm và dự báo tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch kịp thời giải quyết các vụ án, vụ việc xảy ra; điều tra, xác minh, kết luận, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Bốn là, có biện pháp giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành ĐTHS BĐBP có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, có ý thức cảnh giác, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo; có trình độ ngoại ngữ, tin học; có tinh thần quyết tâm, quyết liệt, thực sự liêm chính, công tâm, làm việc hiệu quả, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Thiều Quang Linh, Trưởng phòng Điều tra hình sự BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dang-la-thanh-bao-kiem-phong-chong-vi-pham-phap-luat-trong-bdbp-post468594.html