Xúc tiến, đón sóng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

Với nhiều tiềm năng về điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, tỉnh Tiền Giang đã và đang có nhiều biện pháp chủ động đón làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn đối các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch trên 2.083 ha; trong đó, có 3 khu công nghiệp đang hoạt động là: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang với diện tích trên 816 ha, chiếm 39,19% diện tích quy hoạch khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp hiện đang hoạt động đều ở vị trí đắc địa, trên bến dưới thuyền, có mạng lưới giao thông huyết mạch kết nối vùng và liên vùng, kết nối giữa tỉnh Tiền Giang với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ như: Quốc lộ 50, 1A, 60,… thuận tiện để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo thêm thuận lợi mới, làm cơ sở để công tác thu hút đầu tư phát triển tại địa phương nói chung tiếp tục khởi sắc như kỳ vọng, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, vừa theo đúng quy hoạch và định hướng của tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang luôn coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với thúc đẩy khởi nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp,…

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công bố quy hoạch của tỉnh, ban quản lý tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh đối với phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư.

Đặc biệt, triển khai hai khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư là Khu công nghiệp Tân Phước 1 và Bình Đông; riêng Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp hiện đang trình Thủ tướng để chuyển giao lại cho UBND tỉnh Tiền Giang quản lý và sử dụng.

Là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Tiền Giang, Khu công nghiệp Long Giang sau 17 năm hoạt động đến nay đã kêu gọi đầu tư được 54 dự án, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, với tổng vốn đầu tư 1,86 tỷ USD.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Giang Trần Thị Ngọc Dung cho biết: Khi lựa chọn tỉnh Tiền Giang là nơi đầu tư phát triển khu công nghiệp, Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Giang luôn xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng hoàn thiện tất cả các dịch vụ tiện ích như: Cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, xây dựng trạm điện 110kV, 220kV; hệ thống điện viễn thông, trong đó có hệ thống cung cấp khí CNG,… cùng nhiều yếu tố dịch vụ hậu mãi khác.

Theo bà Trần Thị Ngọc Dung, chính sách quan trọng nhất nhà đầu tư luôn quan tâm là chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì Khu công nghiệp Long Giang đáp ứng được. Do nằm trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên các doanh nghiệp đầu tư ở đây được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế như: Thuế thu nhập doanh thu 15 năm ưu đãi cho doanh nghiệp từ khi có doanh thu với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 15%, bao gồm 4 năm miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế, 9 năm tiếp theo được giảm 50% trên số thuế phải nộp.

Thúc đẩy thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư phát triển, tỉnh Tiền Giang xác định hệ thống kết cấu hạ tầng như: giao thông, điện, nước,… là một trong những khâu then chốt cần tập trung đầu tư. Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là các khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp.

Theo Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 19/8/2024 của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; hoàn thành dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Tiền Giang; khởi công dự án Mở rộng tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; khởi công Trục động lực Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50B); nâng cấp quản lý ba tuyến đường địa phương thành quốc lộ (Quốc lộ 30B, 30C, 62).

Hiện tại, tỉnh Tiền Giang cũng đang tập trung hoàn thiện hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phục vụ phát triển công nghiệp. Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 1.752 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 là trên 1.563 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2025 là trên 188 tỷ đồng.

Thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư nước ngoài; đôn đốc triển khai thực hiện đối với các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo các quy định của pháp luật.

Ban Quản lý sẽ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tập trung quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh đến nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua. Theo đó, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao hiệu quả các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền; kịp thời giải quyết kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tăng cường mời gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản, chế biến - chế tạo,…

Bên cạnh đó, để thu hút các nguồn lực đầu tư, việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống các trường học và đội ngũ giáo viên, học sinh. Tập trung phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong các khu, cụm công nghiệp như: công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực để kết nối cung cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động; tăng cường mối liên kết giữa các viện, trường đại học, trung tâm đào tạo có uy tín; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực điều hành, quản trị cho các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa,…/.

Hồng Đạt - Minh Trí/TTXVN

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xuc-tien-don-song-dau-tu-vao-cac-khu-cum-cong-nghiep.html