Xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc: Vượt thách thức chất lượng sản phẩm
Việc quả chanh leo và sầu riêng được xuất khẩu chính ngạnh sang Trung Quốc đang là niềm vui lớn đối với nhiều nông dân, DN Việt Nam. Dù 'cánh cửa' của thị trường đông dân nhất thế giới đã rộng mở, song thách thức về chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định.
Tin vui nối tiếp tin vui
Mới đây (ngày 7/7), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) công bố thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Như vậy, chanh leo là loại quả thứ 10 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, TP với diện tích khoảng 6.000ha, sản lượng trung bình từ 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…
Sau chanh leo, sầu riêng là loại trái cây tiếp theo của Việt Nam được Trung Quốc chính thức cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào nước này theo Nghị định thư vừa được ký kết hôm 11/7. Cụ thể, sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng cùng cơ sở đóng gói chanh leo, sầu riêng phải được đăng ký, phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch Covid-19… Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật phải được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
“Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh leo, sầu riêng của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.
Chuẩn hóa vùng trồng, nâng cao chất lượng
Với diện tích 1.300 ha trồng chanh leo, sản lượng khoảng 27.0000 tấn/năm, tỉnh Đăk Nông có 2/28 mã vùng trồng và 2/4 mã vùng sơ chế đóng gói đang hoạt động.
Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đăk Nông Nguyễn Thiện Chân cho hay, hiện chi cục đang hoàn thiện bộ hồ sơ quả chanh leo, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật sớm cấp mã số vùng trồng cho địa phương; đồng thời kiến nghị Cục sớm ban hành bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tập huấn cho cán bộ chuyên môn địa phương, từ đó là cơ sở hướng dẫn cho DN dễ dàng tiếp cận thị trường.
Lạc quan với tương lai tươi sáng của trái sầu riêng xuất khẩu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) Ngô Tường Vy chia sẻ, Trung Quốc từ lâu đã là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nói chung và quả sầu riêng nói riêng.
Trước khi có Nghị định thư này, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, các DN xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch.
Nhiều chuyên gia nhận định, ở Việt Nam, hiện không nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng cũng là cả một quá trình dài hơi nếu nhìn lại cách thức trồng sầu riêng, chanh leo ở nước ta hiện nay.
Thị trường Trung Quốc bây giờ đã thay đổi rất nhiều và cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi các DN Việt Nam phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải
PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ.
Bởi với 2 nước này, việc xuất khẩu sầu riêng và chanh leo vào Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, nghĩa là thị phần của 2 nước này tại thị trường đông dân nhất thế giới đã được đảm bảo. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh.
Đề cập về giải pháp hỗ trợ DN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, Bộ đã và đang tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc đến DN, hiệp hội kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, DN bắt buộc phải thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.