Xuất khẩu thủy sản sang Nga tăng 105,5%
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng, trong đó, thị trường tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 105,5% so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 840,7 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt 4,4 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về các thị trường, trong tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong tháng 6/2024 tăng 10,1%, đạt 160,1 triệu USD, và sang Trung Quốc tăng 18%, đạt 144,5 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng đang trên đà phục hồi, các thị trường lớn như Hà Lan, Bỉ, và Đức đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới hầu hết các thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2023, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 1,4%, Thái Lan giảm 16,1%, Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 8,8%.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt 733 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 766 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada và Nga tăng mạnh, lần lượt 37,3% và 105,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kinh tế thế giới cải thiện. Kinh tế Hoa Kỳ đang có nhiều tín hiệu lạc quan như lạm phát giảm nhanh và thị trường lao động vững chắc, hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng. Đây là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Trong khi đó, kinh tế EU cũng đang dần ổn định, giá tiêu dùng và lạm phát giảm, có thể dẫn đến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của EU tăng trở lại.
Tuy nhiên, ngành xuất khẩu thủy sản cũng đối mặt với nhiều thách thức. Mặt hàng chủ lực là tôm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Ecuador và Ấn Độ do giá tôm của 2 nước này cạnh tranh hơn so với Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến khó lường có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm. Hoạt động vận tải qua kênh đào Panama và kênh đào Suez vẫn gặp khó khăn. Dù giá vận chuyển đã giảm so với đỉnh điểm vào tháng 2 và tháng 3/2024 nhưng vẫn ở mức cao, có thể đẩy giá thủy sản tại thị trường tiêu thụ tăng lên.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-thuy-san-sang-nga-tang-105-5-312240.html