'Chọn mặt, gửi vàng' nhóm ngành nào trong năm 2025?

Dù 2025 được nhìn nhận là một năm đáng chú ý với nhiều triển vọng tươi sáng và câu chuyện tích cực, tuy vậy nhà đầu tư vẫn cần chắt lọc để chọn lựa nhóm ngành cổ phiếu đầu tư sẽ hút mạnh dòng tiền, đem lại hiệu suất đầu tư cao.

Thị trường chứng khoán đang dần khép lại một năm 2024 với nhiều biến động. Càng về cuối năm, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn với những lo ngại từ căng thẳng địa chính trị thế giới. Dù VN-Index vẫn duy trì mức tăng gần 12% trong cả năm nay, song ít nhà đầu tư cá nhân (bộ phận chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán) tự tin có tỷ suất lợi nhuận tương đương, thậm chí vượt VN-Index.

Đầu tư theo “sóng” FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) đem lại rất nhiều rủi ro, bởi sự phân hóa giữa các nhóm ngành và từ chính các cổ phiếu trong nhóm ngành khiến việc lựa chọn “hàng” để đầu tư rất cần sự chắt lọc. Trong khi đó, điều bất ngờ là cổ phiếu “bo” cung như FRT, VTP, ACV… lại có hiệu suất tăng khá cao trong năm nay.

2025 được nhìn nhận là một năm đáng chú ý với nhiều triển vọng tươi sáng và tích cực. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng để chọn lựa nhóm ngành cổ phiếu đầu tư sẽ hút mạnh dòng tiền. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, nên tận dụng diễn biến hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục. Theo đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, với đặc điểm có biến động đồng pha với thị trường, được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể.

Cuộc gặp gỡ giữa Vietcap và FTSE (một tổ chức độc lập chuyên cung cấp các dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính trên toàn cầu) vừa qua đã hé mở nhiều thông tin về tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. FTSE đánh giá cao Việt Nam đã triển khai loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (non pre-funding-NPF) đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài từ tháng 11/2024. Tuy nhiên, FTSE sẽ tiếp tục thu thập ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá về tính hiệu quả và sự ổn định của quy định mới. Theo Vietcap, do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Âm lịch, việc nâng hạng dự kiến sẽ diễn ra vào kỳ đánh giá chỉ số bán niên của FTSE vào tháng 9/2025.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, với đặc điểm có biến động đồng pha với thị trường, được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, với đặc điểm có biến động đồng pha với thị trường, được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể

Triển vọng nâng hạng kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại quay lại thị trường, tạo hiệu ứng tích cực với thị trường chứng khoán do danh mục của các quỹ đầu tư toàn cầu được tái phân bổ tỷ trọng cao hơn sang Việt Nam sau khi được nâng cấp.

Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp các CTCK có lợi thế tăng cường hoạt động cho vay ký quỹ, nhất là khi thời gian qua hàng loạt CTCK cũng đã tăng mạnh được vốn điều lệ thông qua phát hành, chào bán cổ phần, trái phiếu.

Theo Chứng khoán KBSV, nhà đầu tư nên xem xét và lựa chọn đầu tư nhóm cổ phiếu chứng khoán đầu ngành nhờ hưởng lợi vượt trội từ diễn biến tích cực của thị trường và câu chuyện nâng hạng thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản dân cư cũng được các chuyên gia khuyến nghị với kỳ vọng từ sự phục hồi của thị trường địa ốc. Sau giai đoạn khó khăn 2022-2023, mảng bất động sản dân cư có bước đầu phục hồi khi các loại hình đất nền và căn hộ nhà phố dần khởi sắc trở lại từ giữa năm 2024. VPBanks kỳ vọng năm 2025 sẽ có sự khởi sắc rõ nét hơn nhờ môi trường lãi suất thấp khuyến khích người mua nhà, nguồn cung ở TP. Hồ Chí Minh dần sôi động trở lại với một số dự án mở bán mới. Nhà nước cũng đang thí điểm một số phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Lợi nhuận toàn ngành được dự báo tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cẩn trọng hơn khi nhìn nhận thanh khoản thị trường địa ốc vẫn ảm đạm, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa thực sự phục hồi. Do đó, việc mua cổ phiếu bất động sản cần dựa trên nền tảng kết quả kinh doanh tốt, quỹ đất rộng.

Trong khi đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng bùng nổ với động lực đến từ triển vọng dòng vốn FDI. Các chuyên gia từ Vietcap nhận định, sức hút trong dài hạn của Việt Nam đối với dòng vốn FDI vẫn tốt, được củng cố bởi xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam của các đơn vị sản xuất toàn cầu.

Cùng quan điểm, VPBankS đánh giá dòng vốn FDI tiếp tục tích cực cùng sự chuyển dịch dòng vốn FDI theo xu hướng Trung Quốc +1 đang ngày càng rõ ràng; nguồn cung mới được tháo gỡ pháp lý sau thời gian dài bị hạn chế. Các chuyên gia VPBankS dự báo lợi nhuận toàn ngành bất động sản khu công nghiệp đạt mức tăng trưởng 30,4% so với cùng kỳ.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập nhóm công nghệ viễn thông khi được hưởng lợi từ các chính sách. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng. Việc Nvidia vừa qua chọn Việt Nam làm điểm đến để thành lập trung tâm R&D về AI và trung tâm dữ liệu không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, mà còn mở ra cơ hội to lớn để Việt Nam củng cố vị thế trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI vào công nghệ.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhóm công nghệ viễn thông được kỳ vọng sẽ có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận từ các dự án hợp tác. Theo định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông năm 2024 và 2025 sẽ tăng lên 175 tỷ USD và 185 tỷ USD. Xuất khẩu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 148 tỷ USD năm 2024 và đạt 160 tỷ USD năm 2025.

Đức Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chon-mat-gui-vang-nhom-nganh-nao-trong-nam-2025-159241.html