Xuất khẩu cà phê tăng trưởng bền vững nhờ chính sách đồng hành và nội lực doanh nghiệp
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành cà phê Việt Nam đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ khi lần đầu tiên vượt mốc 5,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm chỉ sau nửa chặng đường. Không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu, ngành cà phê còn đang cho thấy những bước tiến vững chắc trong phát triển bền vững, từng bước chuyển mình từ xuất khẩu thô sang tinh, từ số lượng sang chất lượng.
Tăng trưởng ấn tượng, giá xuất khẩu lập kỷ lục
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 953.900 tấn cà phê, tăng 5,3% về lượng so với cùng kỳ 2024. Điều đáng chú ý là giá trị xuất khẩu đạt tới 5,45 tỷ USD, tăng tới 67,5% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt 5.708 USD/tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ
Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.708 USD/tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giá cao kỷ lục do sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đặc biệt khi Brazil - quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đang - chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi El Nino. Thêm vào đó, cà phê Việt Nam lại được đánh giá cao về chất lượng và khả năng cung ứng ổn định.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định, chúng ta đã cán mốc mục tiêu xuất khẩu cả năm chỉ sau 6 tháng, cho thấy ngành cà phê đang ở giai đoạn phát triển đặc biệt thuận lợi. Tuy nhiên, điều đáng mừng hơn cả là chất lượng tăng lên rõ rệt, không phải chỉ do thị trường thuận lợi mà nhờ chính sự thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nông dân.
Đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng là sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước. Nổi bật nhất là việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc vùng trồng cà phê, đáp ứng quy định EUDR của Liên minh châu Âu là quy định yêu cầu cà phê nhập khẩu vào EU phải có nguồn gốc minh bạch, không liên quan đến phá rừng.

Kết quả khả quan pahnr ánh rõ sự thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nông dân
Theo đánh giá mới nhất từ phía thị trường EU, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia "rủi ro thấp" nhờ vào nỗ lực sớm xây dựng hệ thống dữ liệu vùng trồng và sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nông dân và các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thông qua các chương trình chuyển đổi canh tác bền vững như xen canh cây che bóng, giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ đang phát huy tác dụng tại các vùng trọng điểm cà phê như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp hay nông dân, nhưng chính sách đúng hướng, kịp thời và đồng hành sẽ tạo "bệ đỡ" quan trọng để ngành chuyển mình mạnh mẽ.
Doanh nghiệp nâng cao nội lực để bứt phá
Điều tạo nên sức bật thực sự của ngành cà phê Việt Nam trong năm nay là sự chuyển mình của các doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, chế biến và mang thương hiệu Việt ra thế giới.
Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu. Cà phê rang xay, hòa tan, đặc biệt là dòng cà phê đặc sản (specialty coffee) đang dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong kim ngạch xuất khẩu.

Dòng cà phê đặc sản (specialty coffee) đang dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể như TNI King Coffee là doanh nghiệp Việt đang mở rộng thị trường tại Mỹ, Trung Đông và Hàn Quốc, hay Simexco Đắk Lắk với hệ thống nhà máy hiện đại, ứng dụng công nghệ truy xuất vùng trồng bằng mã QR ngay từ khâu thu hái.
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc TNI King Coffee, thị trường thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến vị cà phê mà còn muốn biết sản phẩm họ dùng đến từ đâu, có bền vững không, có trách nhiệm với môi trường không. Ai nắm được xu hướng này, người đó nắm lợi thế.
Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn UTZ, 4C hoặc Rainforest Alliance, đây là những tiêu chuẩn được thị trường quốc tế công nhận. Mô hình liên kết không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung bền vững mà còn nâng thu nhập cho nông dân, tạo ra chuỗi giá trị cùng phát triển.
Hiện nay, dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng phần lớn vẫn là nguyên liệu thô. Tuy nhiên, xu thế đang thay đổi. Nhiều chuyên gia dự báo trong 5 năm tới, tỷ trọng cà phê chế biến sâu của Việt Nam có thể tăng lên trên 30%, nếu được tiếp tục hỗ trợ chính sách và có thêm nhiều doanh nghiệp tiên phong.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, cần xem cà phê không chỉ là mặt hàng xuất khẩu mà là sản phẩm chiến lược quốc gia. Xây dựng thương hiệu cà phê Việt không thể chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà rất cần sự phối hợp tổng thể từ Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - viện nghiên cứu. Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động, việc giữ vững vị thế, gia tăng giá trị, phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia là bài toán dài hạn mà Việt Nam đang có cơ hội lớn để giải quyết.