Xuất hiện các đường dây mua bán trẻ sơ sinh, bộ phận cơ thể qua mạng xã hội ở TP HCM

Nhiều đường dây tội phạm liên quan đến mua bán người, bộ phận cơ thể thông qua mạng xã hội xuất hiện ở TP HCM. Các đường dây này lừa nạn nhân bằng cách giới thiệu tìm 'việc nhẹ lương cao'.

UBND TP HCM vừa báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người năm 2023. UBND thành phố cho biết, thời gian qua, địa bàn đã xuất hiện một số vụ án, vụ việc mua bán người. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể, đẻ thuê.

Nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người đa phần là phụ nữ

Nhiều đường dây tội phạm liên quan đến mua bán người, bộ phận cơ thể thông qua mạng xã hội. Các đường dây lừa nạn nhân bằng cách giới thiệu tìm "việc nhẹ lương cao".

Sau đó, các nạn nhân phải làm việc tại quán massage, karaoke, nhà hàng, cà phê, hớt tóc và bị ép ký giấy nợ, buộc phải thực hiện hành vi kích dục, bán dâm để lấy tiền trừ vào "phí tuyển dụng". Ngoài ra, các nạn nhân còn bị lừa sang nước ngoài bằng cách vượt biên hoặc đi tour du lịch, sau đó bán vào cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình, ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, Công an thành phố tiếp nhận 11 tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người, trong đó đã điều tra, khám phá 6 vụ, khởi tố 19 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và mua bán bộ phận cơ thể.

Công an thành phố đã khởi tố 1 vụ, 6 đối tượng về hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Đồng thời, tiếp nhận 3 tin báo nghi vấn bị lừa bán sang Campuchia, đã khởi tố 1 vụ án, bắt 5 đối tượng về tội mua bán người.

UBND TP HCM nhận định, việc phòng, chống mua bán người vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc giải quyết các vụ án mua bán người thường là án truy xét trên cơ sở tố giác của quần chúng và thông tin trên các phương tiện truyền thông, có vụ chỉ phát hiện khi người bị hại trốn được về trình báo.

Do đó, việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, khó chứng minh hành vi phạm tội. Việc xác định "thu lợi bất chính" do hành vi phạm tội còn khó khăn, bởi đây là thỏa thuận giữa người mua và người bán, nhiều trường hợp người bị hại không biết bản thân bị mua bán.

Mặt khác, phần lớn nạn nhân là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, thiếu kiến thức, thông tin về thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Đa phần nạn nhân phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục bị mặc cảm, lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng xã hội nên khi trốn về nước không dám tố cáo tội phạm hoặc khai báo sai sự thật.

UBND TP HCM đưa ra dự báo, năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực. Nhiều gia đình đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động muốn ra nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội "đổi đời" dẫn đến tình trạng mua bán người có thể gia tăng.

Theo đó, công an thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, tin báo tố giác về tội phạm mua bán người, tập trung xác minh, nhanh chóng điều tra làm rõ dấu hiệu mua bán người của đối tượng để xử lý nghiêm.

Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về trật tự xã hội; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, ứng dụng, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh để phục vụ công tác phòng chống tội phạm, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-hien-cac-duong-day-mua-ban-tre-so-sinh-bo-phan-co-the-qua-mang-xa-hoi-o-tp-hcm-post279683.html