Xuân này Yên Đổ bình yên
'Hủ tục', 'tệ' uống rượu ăn sâu vào đời sống khiến nhiều người 'ngáo rượu', tiềm ẩn bao nguy cơ mất an ninh trật tự ở những bản/làng/xóm/xã vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mấy năm gần đây, khi có lực lượng công an chính quy về xã, nhờ các 'chú công an' nên đã đẩy lùi được bao tệ nạn. Cuộc sống bình yên đã trở về với nhân dân Yên Đổ, Phú Lương, Thái Nguyên.
Có tệ “ngáo rượu” trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tôi lên Phú Lương biết bao lần rồi, lần nào cũng bị cuốn hút đến huyễn hoặc bởi màu xanh bạt ngàn của núi đồi với những dải nương chè mướt mát. Đất Phú Lương xưa - một vùng nhân kiệt, địa linh hội tụ những trung, thanh, tráng niên người đồng bào dân tộc thiểu số dưới ngọn cờ nghĩa của thủ lĩnh người Tày họ Dương, tên Minh lừng tiếng để chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Kia là núi Đuổm, xã Động Đạt còn đó uy nghi ngôi đền thờ Thượng đẳng thần Dương Tự Minh, chứng tích về lịch sử truyền thống đất và người Phú Lương anh dũng. Nhưng, hôm nay tôi đến Phú Lương không để ngắm cảnh, thưởng trà, mà tôi đến gặp những cán bộ trẻ công an chính quy được điều động, bổ nhiệm về Yên Đổ.
Còn nhớ hôm gặp đồng chí Đại úy Nguyễn Thanh Thoại, Trưởng Công an xã Yên Đổ ở thành phố, tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh nói: “Đồng bào dân tộc thiểu số trên em có tệ ngáo rượu”. Thấy tôi ngạc nhiên, đồng chí Thoại cho biết đồng bào có thói quen uống rượu, nhiều trường hợp mất tự chủ thành “ngáo” rượu thì tôi mới “à” lên, ngộ ra. Trước đây, tôi chỉ nghe từ “ngáo” khi nói những người nghiện nặng ma túy đá, sử dụng liều cao đến mức hành động như một người tâm thần, điên loạn là “ngáo đá”. Nhưng, qua đồng chí Thoại, tôi từ lạ lẫm đến thôi thúc bước chân đi tìm hiểu tệ “ngáo rượu”.
Đến Yên Đổ rồi, tôi thấy tệ “ngáo rượu” cũng có căn nguyên của nó. Bởi lẽ Yên Đổ là một vùng đất giáp ranh với mênh mông rừng núi phía Bắc của huyện Phú Lương. Do ở vị trí chồng lấn phức tạp, đất đai rộng lớn, dân cư thưa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên “hủ tục” uống rượu đã đi vào đời sống, nhiều trường hợp nghiện đến mức “ngáo rượu”. Cũng từ “hủ tục” uống rượu mà biết bao hệ lụy, những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn gia đình, xã hội nảy sinh, tiềm ẩn bao nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ tệ “ngáo rượu”
Năm 2019, Đại úy công an chính quy Nguyễn Thanh Thoại nằm trong đợt đầu bổ nhiệm công an xã ở địa bàn Yên Đổ. Những ngày đầu bám, nắm địa bàn, đồng chí Thoại và anh em công an xã khá ngạc nhiên vì trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây phần đông biết uống rượu. Từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến thanh niên dường như không còn lạ lẫm khi thấy họ xách trên tay, khoác trên vai can rượu. Lác đác những nhóm người ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối bên chén rượu. Cứ gặp nhau là mời rượu, vui cũng mời, buồn cũng mời, thậm chí chào nhau cũng bằng rượu. Người uống có thể khề khà cả ngày, rồi rượu vào thì lời ra, ban đầu còn vui vẻ, sau là gay gắt, mắng mỏ, thậm chí đánh cãi chửi nhau.
Cũng từ thói quen uống rượu, bao mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh, thành vấn đề mất an ninh, trật tự. Điển hình là các trường hợp như ông NVH (SN 1964) trú tại xóm Thanh Đồng, ông NVT (SN 1964) tại xóm Khe Thương, ông DTT (SN 1974) xóm Làng... thường xuyên uống, đến mức “ngáo rượu” ở địa bàn.
Ông NVH, người dân tộc Tày, có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích do mâu thuẫn phát sinh từ rượu. Những tưởng sau lần vướng vào pháp luật đó sẽ giúp ông hiểu ra, nhưng với thói quen, lại gặp phải khó khăn trong đời sống nên những đêm tối sương rừng, gió lạnh hun hút ở góc núi rừng Yên Đổ này, ông NVH thường tụ tập bạn bè khề khà uống rượu. Mà sức khỏe như thời trai tráng chả nói, giờ có tuổi rồi, thần kinh ông H càng ngày càng yếu nên hễ uống vào là ông mất tự chủ. Đầu tiên còn là người uống rượu, quanh đi quẩn lại là rượu uống người. Mỗi lần uống rượu, ông H lại đánh vợ chửi con.
Bà PTV (SN 1967) vợ ông H, một người phụ nữ khắc khổ, đã phải chịu đựng biết bao đắng cay, tủi nhục bởi những trận đòn say từ chồng. Cũng bởi “con ma men” quẫy đạp, giằng xé khiến ông gầm gào và ông như người bị “ma nhập” chửi bới, gây gổ cả ngày với vợ con, ầm ĩ làng xóm, khiến cho bố con cự cãi nhau, mâu thuẫn gia đình ngày càng tồi tệ. Giống như trường hợp của ông NVH, ông DTT, người dân tộc Tày, trú tại xóm Làng, cũng là người nghiện đến “ngáo rượu”, thường xuyên có hành vi chửi bới, đánh đập vợ.
Bà MTĐ (SN 1974), vợ ông DTT - một người phụ nữ nông thôn lấy chồng những mong được nương tựa bởi bà nghĩ rằng với ruộng nương, bờ bãi rộng lớn, vợ chồng chịu khó làm lụng nếu không có một cuộc sống giàu sang thì cũng no đủ, bình yên. Nhưng, thực tế những khó khăn cuộc sống, cùng với tập tục xưa cũ và quá trình va chạm với người tứ xứ ở địa bàn giáp ranh khiến cho chồng bà, ông DTT càng ngày càng sa vào rượu chè. Bà phải trải qua những tháng ngày khổ đau cùng cực khi có một ông chồng “ngáo rượu”. Cán bộ chính quyền, công an xã bán chuyên trách trước đây đến vận động nhiều lần, nhưng có lẽ bởi cùng người bản quán “bụt chùa nhà không thiêng” mà ông DTT vẫn không từ bỏ rượu. Thậm chí, khi được vận động, ông DTT còn bảo: “Tôi bỏ vợ, bỏ con thì được, chứ tôi không bỏ được rượu”.
Đỉnh điểm của tệ “ngáo rượu” ở Yên Đổ là những sự việc “ngáo”, có hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người thân trong nhà. Đó là vào hồi 14 giờ 30 ngày 21/9/2021, ông NVT ở xóm Khe Thương, sau khi chén chú chén anh cùng bạn nhậu đã say, mất hết kiểm soát, về nhà thấy vợ con nem nép né tránh, sẵn ma men trong người và hệ thần kinh không kiểm soát nổi, ông NVT cầm gậy đánh đuổi, khiến vợ ông phải chạy sang nhà con gái. Trong cơn say, ông NVT đánh như điên loạn vào những thành viên trong gia đình. Trong đó, anh NTD (SN 2000) là con đẻ của ông thương mẹ, thương em đã đứng ra che chắn.
Càng như vậy, ông NVT càng điên, như không còn nhận ra anh NTD là đứa con đẻ “độc đinh” cả họ rất cưng nựng. Bản thân ông NVT khi tỉnh táo rất yêu quý con, nhưng khi “con ma men” trong người điều khiển, ông ảo giác cho rằng anh NTD là kẻ phản ông nên tiện tay vớ được cái gì là cầm vụt, đánh điên loạn vào người anh NTD. Khi hàng xóm liều mình lao vào can thì anh NTD gục xuống và được đưa đi cấp cứu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Thoại hay tin đã nhanh chóng xuống hiện trường. Khi “con ma men” điều khiển, ông NVT hùng hổ là thế, nhưng tan rượu, thấy cậu con “độc đinh” vào viện thì đờ đẫn ngồi bệt trên nền đất. Thấy sắc phục cảnh sát vào nhà, ánh mắt ông NVT thoáng hoảng hốt. Nắm được tâm lý của đồng bào rất coi trọng vai trò của người “cầm quyền trưởng” trong họ, lại thấy dáng vẻ bứt rứt của ông NVT, đồng chí trưởng Công an xã lóe lên ý nghĩ rồi từ tốn: “Chúng tôi vừa ở viện về, tạm thời tính mạng anh NTD không sao, nhưng nhát gậy không may trúng đùi trong mạnh quá, các bác sĩ đang cố gắng hết sức, không thì...”.
Đồng chí Thoại chưa nói dứt câu, ông NVT đã ngước mắt cầu cứu: “Cán bộ, cháu có sao không? Trăm sự nhờ cán bộ cứu, nếu không thì dòng họ nhà tôi...”. Nói đến đây, ông NVT ôm mặt bật khóc tức tưởi.
Bình yên Yên Đổ
Gần dân, sát dân, bám, nắm địa bàn và hiểu được căn nguyên của mâu thuẫn tiềm ẩn biết bao vấn đề mất an ninh, trật tự và quyết tâm đẩy lùi tệ “ngáo rượu”, Đại úy Nguyễn Thanh Thoại, trưởng công an xã và anh em đã thực sự đi vào đời sống, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học và nói tiếng dân tộc với đồng bào mà khuyên giải, phân tích, tuyên truyền, nêu những ví dụ cụ thể về tác hại và hậu quả từ “ngáo rượu”, vừa vận động bà con xóm làng giúp đỡ về tinh thần, vật chất đối với những hoàn cảnh gia đình khó khăn, phát sinh mâu thuẫn từ rượu như trường hợp cấp cứu của anh NTD, đồng thời lập biên bản xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gây rối trật tự trị an từ “ngáo rượu”, nên những trường hợp như ông NVH, ông NVT, ông DTT... đã ký cam kết và thực sự quyết tâm từ bỏ rượu.
Bắt đầu là nghe và được tận mắt chứng kiến những đổi thay trong đời sống người dân từ tệ “ngáo rượu” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi vô cùng cảm mến, khâm phục các đồng chí công an xã như Đại úy Nguyễn Thanh Thoại. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng các đồng chí không ngại khó khăn, gian khổ, thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân, giữ bình yên cho mỗi thôn, xóm, bản làng đúng với tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, đẩy lùi tệ nạn, làm khởi sắc một vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao Yên Đổ.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/xuan-nay-yen-do-binh-yen-i690498/