Thanh niên vừa mãn hạn tù cùng đồng bọn thực hiện hàng loạt vụ trộm, cướp giật tài sản

Trước khi bị bắt giữ về hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản, đối tượng Tuệ từng 'nhập kho' và vừa mãn hạn tù hồi tháng 2/2024.

Theo Cổng thông tin Công an thành phố Đà Nẵng, chiều 11/11, Công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Văn Tuệ (25 tuổi) và Đặng Ngọc Dũng (30 tuổi) về hành vi trộm cắp và cướp giật tài sản.

Cả hai cùng trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê.

Võ Văn Tuệ (trái) và Đặng Ngọc Dũng. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Võ Văn Tuệ (trái) và Đặng Ngọc Dũng. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Đáng chú ý, Võ Văn Tuệ là đối tượng vừa được mãn hạn tù vào hồi tháng 2/2024.

Trước đó, tại địa bàn quận Liên Chiểu từ tháng 9/2024 xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản. Đối tượng thực hiện được nhận định là chuyên nghiệp, manh động, tính toán rất kĩ càng trước khi thực hiện.

Chiếc xe bị thu giữ. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Chiếc xe bị thu giữ. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, với quyết tâm cao độ, lực lượng chức năng tiến hành rà soát, lên danh sách các trường hợp nghi vấn hoạt động trên địa bàn.

Đến ngày 11/11, cảnh sát đã quyết định tổ chức bắt giữ Võ Văn Tuệ khi đối tượng đang có mặt tại địa bàn quận Liên Chiểu.

Tang vật vụ án. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Tang vật vụ án. (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Tại cơ quan điều tra, người này khai nhận từ giữa tháng 9/2024 đến nay đã cùng với Đặng Ngọc Dũng thực hiện 01 vụ cướp giật và 9 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ. Tổng giá trị tài sản chiếm đoạt hơn 250 triệu đồng.

Căn cứ lời khai của các đối tượng, Công an quận Liên Chiểu đã tiến hành tạm giữ 1 chiếc Iphone 13 Pro max màu xanh; 1 Ipad, 1 máy tính xách tay màu đen, 1 xe mô tô BKS: 43D1 – 814.81 (phương tiện các đối tượng dùng để gây án).

Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc...

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

Khung 1:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự thì người người nào cướp giật tài sản của người khác sẽ có thể phải đối diện với một trong các khung hình phạt như sau:

Khung cơ bản: Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

+ Làm chết người;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/thanh-nien-vua-man-han-tu-da-cung-dong-bon-thuc-hien-hang-loat-vu-trom-cuop-giat-tai-san-7254.html