Xử lý tình trạng khỉ cướp giật, tấn công du khách ở bán đảo Sơn Trà thế nào?
Khỉ tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc tương tác gần gũi với con người, đặc biệt là việc nhận thức ăn từ du khách. Để đảm bảo sự bền vững trong việc bảo tồn loài linh trưởng này, cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả và nhanh chóng.
Kiểm soát hành vi du khách, cắt nguồn cung thức ăn của khỉ
Mới đây, Người Đưa Tin đã phản ánh thông tin, những năm gần đây, đàn khỉ trên bán đảo Sơn Trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cảnh quan du lịch của khu vực. Tuy nhiên, việc du khách thường xuyên cho khỉ ăn đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Hình ảnh khỉ táo tợn tiếp cận du khách để xin thức ăn ngày càng phổ biến. Những con khỉ này, vốn dĩ sống tự nhiên và tránh xa con người, giờ đây trở nên liều lĩnh và hung hãn hơn.
Chúng không chỉ đơn thuần tiếp cận mà còn có hành vi cướp giật thức ăn hoặc thậm chí tấn công khi bị từ chối.
Điều này không chỉ làm mất an ninh trật tự, mà còn gây tâm lý bất an cho du khách, đặc biệt là những người chưa quen với sự hiện diện của khỉ trong môi trường du lịch.
Tình trạng này đe dọa đến sự an toàn của cả du khách và khỉ, đồng thời ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của khu vực.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc công ty TNHH HIVOOC, chuyên gia linh trưởng học với 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu tại Sơn Trà, cho rằng, để giải quyết vấn đề này, một trong những biện pháp quan trọng là kiểm soát hành vi của du khách.
Đầu tiên, cần xác định các khu vực "nóng" nơi khỉ thường xuyên tiếp cận du khách để ưu tiên xử lý. Những điểm nóng này bao gồm khu vực gần cổng Intercon, Gành Bàng, dọc tuyến đường vào Intercon, khu vực chùa Linh Ứng, bãi giữ xe và khu vực trước cổng chùa, đường Hồ Xanh, và ngã ba miếu thờ rẽ lên chùa Linh Ứng.
Để tăng cường kiểm soát, chốt kiểm soát du khách hiện tại tại Intercon - Ghềnh Bàng nên được dời ra ngay gần quán cà phê phía trước chùa Linh Ứng.
Việc này sẽ giúp kiểm soát toàn bộ lượng khách và xe đi vào - ra tuyến đường này, đảm bảo rằng không có du khách nào mang theo hoặc sử dụng thực phẩm tại các khu vực nhạy cảm.
Bên cạnh đó, cần ban hành lệnh cấm du khách tự tổ chức ăn uống dọc tuyến đường từ chốt kiểm soát vào đến Ghềnh Bàng, tương tự như lệnh cấm ăn uống trên bãi biển. Điều này sẽ giúp cắt nguồn cung thức ăn cho khỉ, điều cốt yếu để đàn khỉ không còn tiếp cận gần con người.
Một chiến dịch clean-up triệt để dọc theo tuyến đường từ ngã ba miếu thờ đường Lê Văn Lương lên đến Intercon cũng cần được tổ chức. Rác thải, đặc biệt là các loại rác có thể trở thành nguồn thức ăn cho khỉ, cần được thu gom toàn bộ.
Sau đó, không nên đặt thùng rác trên tuyến đường từ chốt barier vào đến Ghềnh Bàng, nhằm khuyến khích khỉ quay trở lại rừng tìm kiếm thức ăn tự nhiên.
Bảo tồn khỉ từ gốc rễ từ nâng cao nhận thức du khách
Cũng theo ông Tuấn, cùng với việc kiểm soát hành vi của du khách, việc nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã là một bước đi bền vững để bảo vệ khỉ và hệ sinh thái Sơn Trà. Thiết kế và phát hành tờ rơi thông tin với nội dung cụ thể là một biện pháp hiệu quả.
Tờ rơi này có thể được phát tại các chốt kiểm soát du khách, cổng chùa Linh Ứng và các điểm du lịch khác trên bán đảo.
Tờ rơi nên có ba mặt gấp, mặt trước giới thiệu về đa dạng sinh học Sơn Trà và giá trị của nó, cùng với hình ảnh động vật hoang dã.
Mặt sau, nói về các rủi ro lây nhiễm bệnh từ động vật và những mối nguy hại khi tiếp xúc gần với khỉ. Ngoài ra, tờ rơi cần liệt kê những điều "không được làm" khi tham quan bán đảo Sơn Trà, nhấn mạnh vào việc không cho khỉ ăn.
Khỉ tấn công có thể lây nhiễm bệnh
Ông Bùi Văn Tuấn nhấn mạnh, tại các điểm nóng có nhiều tương tác giữa người và khỉ, cần lắp đặt loa phát thông tin liên tục về các quy định trong tờ rơi, kèm theo các cảnh báo về rủi ro bị khỉ tấn công hoặc lây nhiễm bệnh.
Những hình ảnh thực tế về các vụ tấn công của khỉ, gây thương tích cho du khách, cũng cần được đưa lên các bảng áp phích cảnh báo tại các điểm này.
Để tăng tính răn đe, du khách có thể được yêu cầu ký cam kết sau khi nhận tờ rơi, xác nhận rằng họ đã được thông báo và hiểu rõ các quy định khi tham quan.
Việc kiểm soát thông tin khách vào, ra các điểm nóng có khỉ cần được thực hiện chặt chẽ, đồng thời bố trí nhân sự giám sát và lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm.
Việc này sẽ tạo ra sự e ngại khi vi phạm các quy định đã được ký cam kết.
Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng là Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cần thông báo đến tất cả các đơn vị lữ hành và kiểm tra gỡ bỏ các quảng cáo tour khuyến khích cho khỉ ăn. Đồng thời, cần tăng cường việc giám sát và thu thập dữ liệu để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo rằng các quy định được thực thi nghiêm túc.
Vấn đề bảo tồn khỉ ở bán đảo Sơn Trà không thể chỉ giải quyết bằng cách kiểm soát khỉ, mà cần có sự phối hợp giữa việc nâng cao nhận thức du khách và thực hiện các biện pháp kiểm soát cụ thể.
Chỉ khi du khách hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và tuân thủ các quy định, mới có thể bảo vệ được môi trường sống của khỉ cũng như duy trì sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên tại bán đảo Sơn Trà.