Xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở Bắc Kạn
Vừa qua, tại thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) xảy ra một vụ phá rừng phòng hộ. Điều đáng nói là dù cơ quan chức năng sau khi phát hiện đã yêu cầu kiểm lâm, chính quyền địa phương quản lý nhưng các đối tượng phát, phá rừng vẫn tiếp tục dựng nhà, lán, trại, có dấu hiệu coi thường pháp luật.
Ngày 24/6/2024, tại buổi tiếp xúc cử tri, người dân xã Đôn Phong đã phản ánh tới Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tại khu vực rừng phòng hộ do cộng đồng thôn Nà Đán, Bản Đán bảo vệ có hiện tượng sử dụng máy xúc mở đường vào rừng, chặt, phát, phá rừng trái phép.
Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng cho thấy việc phản ánh của cử tri là đúng thực tế.
Cụ thể, tổng diện tích xác định đào bới, san ủi mở đường, phát phá rừng trái pháp luật là hơn 9.967m2. Trong đó, diện tích đào bới, san ủi mở đường, phát phá rừng trái pháp luật thuộc quy hoạch trong lâm nghiệp là 8.790m2; diện đào bới, san gạt đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp hơn 1.177m2.
Khu vực bị phá là rừng tự nhiên (rừng hỗn giao núi đất); rừng trồng và đất trống không có rừng. Khu vực rừng này được Ủy ban nhân dân xã Đôn Phong giao khoán cho cộng đồng thôn Nà Đán và thôn Bản Đán quản lý, bảo vệ.
Vụ phá rừng đã làm thiệt hại 544 gốc và thân cây vầu; 34 cây gỗ. Các loại lâm sản trên các tuyến đường san ủi, mở đường đã bị vùi lấp không thể xác định được.
Các cây gỗ đã bị chặt hạ hiện chỉ còn lại gốc chặt, đa phần thân cây gỗ đã bị lấy đi khỏi hiện trường.
Vụ việc phát hiện từ tháng 6 nhưng cho tới đầu tháng 8/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông và Ủy ban nhân dân xã Đôn Phong vẫn chưa xác minh được đối tượng chặt phá.
Lý do được đưa ra là do không có nghiệp vụ điều tra, khi các đối tượng thuộc diện nghi vấn không thừa nhận hành vi vi phạm, cũng không có phương pháp khác để xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm.
Hạt Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân xã Đôn Phong đề nghị tỉnh xem xét chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định.
Diện tích rừng bị thiệt hại là 6.143m2 thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã vượt khung xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.
Vụ việc có dấu hiệu vi phạm về Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
(Theo báo cáo số 254/BC-SNN ngày 22/7/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn)
Điều đáng ngạc nhiên là trong khi cơ quan chức năng chưa tìm được thủ phạm thì trên diện tích rừng đã bị phát, phá trái phép lại tiếp tục mọc lên nhà gỗ, téc chứa nước, ống dẫn nước…
Cuối tháng 7/2024, Ban Dân tộc (Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn) tiến hành khảo sát vụ việc, đi thực tế hiện trường. Tại thời điểm khảo sát, Ban phát hiện các đối tượng vẫn tiếp tục tập kết nguyên vật liệu, gồm: téc nước, ống dẫn nước, kéo đường dây điện… và đã làm xong 2 căn nhà bằng gỗ trên đất rừng phòng hộ.
Diễn biến này cho thấy vụ việc ngày càng phức tạp. Đối tượng phát, phá rừng trái phép có biểu hiện xem thường pháp luật, nếu không điều tra, xử lý dứt điểm sẽ tạo tiền lệ cho các đối tượng khác tiếp tục vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Theo thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, ngày 11/8, Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông đã khởi tố vụ án và chuyển sang cơ quan điều tra (Công an huyện Bạch Thông) để điều tra, làm rõ.
Vụ phá rừng trái phép này đang là điển hình cho mối nguy phá rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở các xã Đôn Phong, Dương Phong (Bạch Thông), Bằng Phúc (Chợ Đồn) và Đồng Phúc, Quảng Khê (Ba Bể).
Hầu hết rừng ở các xã này là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Trước đây, những diện tích nằm ở vùng sâu, vùng xa, cách biệt, ít người đi lại nên thuận lợi cho công tác bảo vệ.
Tuy nhiên, từ khi tuyến đường mới từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể được thi công và sắp hoàn thành đi qua các xã này thì bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu, nguy cơ tác động đến rừng.
Những khu vực rừng này khi có đường mới trở nên gần với khu du lịch hồ Ba Bể và cách thành phố Bắc Kạn không quá xa chỉ khoảng từ 10 đến 30km.
Tình trạng mua, bán đất rừng nói chung và phòng hộ nói riêng tại các xã này bắt đầu nóng bỏng. Chưa có thống kê chính xác nhưng phần lớn những diện tích rừng bám mặt đường hoặc gần đường mới mở đều đã được mua đi, bán lại.
Diện tích rừng bị phát, phá trái phép trong vụ việc tại thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong nói trên cũng nằm sát đường mở mới từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể.
Ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn cần sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh đối tượng phá rừng trái phép tại Vằng Bó; đồng thời, cần sớm có biện pháp căn cơ để ngăn chặn việc tái diễn các vụ việc tương tự. Đặc biệt là các diện tích rừng đã được người dân bán cho những người từ nơi khác tới cũng cần được rà soát kỹ lưỡng.
Tránh để xảy ra tình trạng rừng bị phá, bị san ủi, làm nhà rồi mới phát hiện, trở thành “sự đã rồi” để làm căn cứ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng tạo nguy cơ tác động xấu đến quy hoạch lâm nghiệp và quy hoạch phát triển du lịch của địa phương.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-vu-pha-rung-phong-ho-o-bac-kan-post824243.html