Xu hướng ngắn hạn của chỉ số phụ thuộc vào lực bắt đáy
Trong những phiên tới, xu hướng ngắn hạn của chỉ số phụ thuộc vào lực bắt đáy, tuy nhiên, thanh khoản hiện vẫn yếu, cho thấy tâm lý của thị trường còn dè dặt và nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng...
Chứng khoán ngày 20/1, thị trường bước vào tuần giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024 vẫn với sự giằng co. Tâm lý thận trọng chi phối, với lực cầu yếu và nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý dè dặt.
Dù VN-Index tăng nhẹ thử thách vùng kháng cự 1.250 điểm, nhưng thanh khoản thấp và sự thiếu vắng các nhóm cổ phiếu dẫn dắt vẫn khiến xu hướng chung ở trạng thái lình xình. Các nhóm ngành chính vẫn có sự phân hóa mạnh, không có nhóm ngành nào thực sự nổi bật để thúc đẩy chỉ số.
Thanh khoản giữ mức thấp, trong khi khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng, gia tăng áp lực lên thị trường. Nhà đầu tư giữ tâm lý chờ đợi những thông tin kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn sẽ được công bố trong thời gian tới.
Sang phiên chiều, giao dịch diễn ra vẫn với sự thận trọng và phân hóa ở các nhóm ngành. Điều này khiến các chỉ số chính biến động giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, việc nhận được lực đỡ từ một số cổ phiếu trụ cột khiến thị trường rơi vào trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng".
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,44 điểm (0,04%) lên 1.249,55 điểm. Toàn sàn HOSE có 176 mã tăng, 240 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,36%) xuống 221,69 điểm, với 50 mã tăng, 102 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%) xuống 92,8 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 440,9 triệu cổ phiếu tăng 2% so với phiên trước, nhưng giá trị giao dịch giảm 2,8% xuống 9.995 tỷ đồng. Nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị giao dịch giảm 5% xuống chỉ còn gần 7.800 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch sàn HNX giảm 8% xuống 676,6 tỷ đồng, trong khi giá trị giao dịch sàn UPCoM tăng 23% lên mức 502 tỷ đồng nhờ đóng góp nhiều hơn từ giao dịch thỏa thuận.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh trong phiên hôm nay. Trong nhóm VN30 ghi nhận 13 mã tăng trong khi cũng có đến 14 mã giảm. Trong đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng như HDB, MBB, TPB, VIB, BID… tăng giá và góp phần giữ nhịp thị trường chung. HDB tăng 2,22%, MBB tăng 1,6%, TPB tăng 1,5%.
Ở hướng ngược lại, POW giảm 1,3%. Bên cạnh đó, VCB, MSN, VPB, VHM hay HPG đều chìm trong sắc đỏ và tác động đến thị trường chung. Ngoài ra các cổ phiếu như LPB, BSR, HVN… cũng biến động tiêu cực và phần nào gây ra những áp lực lên VN-Index. BSR giảm 2,6%, HVN giảm 0,9%, LPB giảm 0,78%.
Nhóm cổ phiếu đầu tư công biến động có phần tiêu cực khi PLC giảm 4%, FCN giảm 2,3%, LCG giảm 1,9%, KSB cũng giảm 1,8%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản cũng phần lớn đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, các cổ phiếu thuộc nhóm cao su có phần tích cực hơn. Trong đó, TRC, TNC hay SEP được kéo lên mức giá trần. DRI tăng đến hơn 4%, RTB tăng 3,2%, DPR cũng tăng 1,6%.
Tăng dần tỷ trọng ở các mã đang có lợi nhuận
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
VN-Index đóng cửa trong sắc xanh nhẹ với thanh khoản tương đương với phiên cuối tuần trước. Kết phiên là một thân nến Doji nhỏ cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn phân vân và khá thận trọng ở thời điểm hiện tại.
Xu hướng phục hồi chưa mạnh, nhưng áp lực bán đã có tín hiệu chững lại sau tuần tăng điểm trước đó. Chúng tôi vẫn giữ nguyên kỳ vọng tăng điểm zích zắc của VN-Index, nên ưu tiên vị thế nắm giữ danh mục đã mua thăm dò trước đó.
Tiếp tục giữ nguyên chiến lược tăng dần tỷ trọng ở các mã đang có lợi nhuận khi thị trường rung lắc và kiên nhẫn chờ đợi sự bùng nổ mạnh của thanh khoản khi VN-Index vượt ngưỡng 1.259 điểm (tương ứng với MA200) để tổng lực cho vị thế mua mới.
Giải ngân T+ với các nhóm ngành bắt đầu thu hút dòng tiền
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Trước những yếu tố bất định về mặt vĩ mô và kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày, VN-Index vẫn đang vận động theo xu hướng tăng trong nghi ngờ với thanh khoản thấp và thiếu hụt đi dòng dẫn dắt để tạo sóng tăng mạnh.
Dòng tiền tiếp tục luân chuyển đi vào các nhóm ngành và phân hóa đối với mỗi cổ phiếu trong cùng một ngày. Nhà đầu tư có thể thực hiện hóa một phần lợi nhuận và cân nhắc giải ngân T+ với các nhóm ngành bắt đầu thu hút dòng tiền như dầu khí và ngân hàng.
Diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có các phiên phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2024 (âm lịch).
Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực. Sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.250 – 1.255 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể xảy ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ nhóm midcaps và smallcaps sang nhóm largecaps cho nên chiến lược thích hợp giai đoạn này là tìm kiếm cơ hội ở từng cổ phiếu bằng vốn tự có.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi thanh khoản vẫn thấp và các nhóm cổ phiếu có diễn biến không đồng đều do các nhà đầu tư cũng đang theo dõi thêm những phát biểu của ông Trump trong lễ nhận chức vào ngày 20/1.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 - 50% danh mục và có thể xem xét mua mới tại các nhịp điều chỉnh.
Thanh khoản hiện vẫn yếu, cho thấy tâm lý của thị trường còn dè dặt
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index cho thấy xu hướng giằng co khi trở về vùng tâm lý cũ. Trong những phiên tới, xu hướng ngắn hạn của chỉ số phụ thuộc vào lực bắt đáy tại đây. Tuy nhiên, thanh khoản hiện vẫn yếu, cho thấy tâm lý của thị trường còn dè dặt. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.
Bám sát tình hình thanh khoản trong thời gian tới
Chứng khoán TPBank (TPS)
VN-Index tiếp tục tăng ngay đầu phiên với sự hỗ trợ đến từ nhóm ngân hàng và vốn hóa lớn. Thanh khoản yếu vẫn là điểm trừ của phiên tăng điểm hôm nay và tâm lý lo ngại vẫn còn duy trì trên thị trường. Để chắc chắn cho một kịch bản tốt hơn và chinh phục vùng 1.240 điểm; sự quay lại của yếu tố thanh khoản là điều cần thiết. Nhà đầu tư có thể cần bám sát tình hình thanh khoản trong thời gian tới của thị trường.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.