Cách đây hơn chục năm, ở nơi núi rừng sâu thẳm huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), một công trình thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ được khởi công. Đó cũng là thời điểm hàng nghìn hộ dân sống bên dòng Nậm Nơn phải di dời, nhường đất cho công trình trọng điểm này. Song thực tế cuộc sống của đồng bào tại nơi ở mới không như mong đợi buộc nhiều gia đình phải “tìm về” chốn cũ, sống cảnh đời sông nước lênh đênh.
Năm 2010, thủy điện Bản Vẽ ngăn dòng phát điện. Đây cũng là năm đánh dấu sự ra đời của xóm “nổi” này.
Cuộc sống, nghề nghiệp của cư dân nơi đây hết sức đa dạng, có gia đình chỉ chuyên nghề đánh cá, nhà mở quán hàng bán cho khách qua lại bến thượng lưu, người nuôi cá lồng bè,…
Ông Lô Văn Liên (57 tuổi) sống ở lòng hồ này cũng đã gần 6 năm. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng ông nuôi cá lồng lăn lộn lên rừng chặt nứa, đóng thành bè nuôi cá lồng trên lòng hồ.
“Lúc trước, gia đình cũng sinh sống bằng nghề đánh bắt và kinh doanh cá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Từ năm 2018, khi huyện có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè hồ thủy điện, tôi là một trong những người tiên phong xuống hồ”, ông Liên chia sẻ.
Theo ông Liên, việc nuôi cá không mất nhiều công sức. Thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ nên cũng dễ kiếm. Hiện ông có 8 lồng nuôi cá trắm, cho thu nhập trung bình từ 25-30 triệu đồng/lồng/năm.
Tại đây, buổi sáng từ 7 đến 10 giờ là thời điểm tấp nập người qua lại trao đổi hàng hóa.
Phương tiện đi lại nơi đây chủ yếu là thuyền, xuồng
Thu Hiền