Xem '1,2 tỷ USD kẹt cứng' trên đường phố Hà Nội

Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận ải), ùn tắc giao thông tại Hà Nội gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD (khoảng 23.300-27.900 tỷ đồng) mỗi năm, trong khi không khí ô nhiễm gấp 5 lần.

Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải) cho biết, một số nghiên cứu cho thấy thiệt hại do tắc đường ở Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Cảnh tượng thường ngày vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Mặc dù đường Nguyễn Trãi là trục chính, có chiều rộng tối thiểu 50m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giao thông vì mật độ phương tiện quá lớn.

Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải chỉ ra nguyên nhân do mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô; tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang bất cập; vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ hơn 16-26%...

Hiện, Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy và gần 500.000 ôtô (trong đó có trên 327.000 ôtô con). Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ôtô và 8% xe máy trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm; chiều dài 1,3%.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, cơ sở hạ tầng của Thủ đô chưa thực sự đảm bảo phục vụ giao thông, nhiều hạ tầng phục vụ vượt thiết kế 6-7 lần.

Thực tế, Việt Nam hiện mới sử dụng 8,65% quỹ đất dành cho giao thông trong khi luật quy định quỹ đất dành cho giao thông ở các đô thị là 16-26%, các nước tiên tiến quy định 20-25%. Do đó, Trung tá Hùng thừa nhận, việc quá tải là điều không thể tránh khỏi trong khi đó tại một số nút giao, việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả.

“Thời gian qua, mật độ xây dựng chung cư cao tầng khiến mức độ quá tải ngày càng trầm trọng. Việc các phương tiện cá nhân tăng nhanh theo cấp số nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến ách tắc", Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nhận định.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có cách nhìn tổng quát hơn khi cho rằng muốn phát triển đô thị hiện đại, Hà Nội vừa phải có chiến lược, vừa phải có lộ trình, giải pháp cụ thể từng năm, từng tháng.

“Việc thực hiện đề án, chủ trương chuyển khu vực lõi ra các đô thị vệ tinh ngoài Hà Nội hiện đang vướng mắc do chưa tổng thể, đồng bộ. Chẳng hạn, nhà ở phải có hệ thống trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, kết nối phương tiện vận tải công cộng… đi kèm. Tóm lại, trong khu vực trung tâm có gì, các đô thị vệ tinh cũng phải có mới thu hút được nhiều người tự nguyện chuyển đổi,” ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có quy hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2010-2020. Thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều dự án giao thông, trong đó có thể kể đến như 8 cầu vượt thép để kéo giảm ùn tắc tại các ngã tư trọng điểm.

Từ năm 2017 đến 2030, Hà Nội từng bước hạn chế hoạt động của một số phương tiện trong một số khu vực và từ năm 2030 là cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.

Kim Ngưu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/xem-12-ty-usd-ket-cung-tren-duong-pho-ha-noi-1144873.html