Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người| Hà Nội tin mỗi chiều

Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người; Ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi với nhiều tiện ích... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người

Với xe đưa đón học sinh và trẻ mầm non, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo thống kê của các tổ chức an toàn trên thế giới, nguyên nhân gây ra cái chết cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống phần lớn là do tai nạn giao thông. Trong đó, hơn 57% là do trẻ em dưới 15 tuổi không được ngồi và bảo hiểm đúng cách trong ô tô.

Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng, thì trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, là đối tượng yếu thế trong tham gia giao thông khi chưa biết cách tự bảo vệ mình.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ tổn thương hơn người lớn khi ngồi trên ô tô.

Đề nghị bổ sung quy định xe chở học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em.Ảnh minh họa: MH/ Dân Trí.

Đề nghị bổ sung quy định xe chở học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em.Ảnh minh họa: MH/ Dân Trí.

Đặc biệt, sau sự cố xảy ra tại trường Gateway, Nghị định 10 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải đã quy định một số giải pháp nhằm chống bỏ quên trẻ em trên xe. Trong đó, có yêu cầu tài xế phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn ai ở trên xe sau khi kết thúc hành trình. Điều này cũng chú trọng đến đối tượng trẻ nhỏ cần được đảm bảo an toàn hơn trong suốt quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những kẽ hở đối với quy định xe đưa đón trẻ em. Bởi thực tế cần nhìn nhận đây là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tham gia giao thông hơn so với các đối tượng khác. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ quy định việc quản lý hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô là cần thiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em.

Hai dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, trong đó có xe chở học sinh.

Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo, dự kiến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, quy chuẩn sẽ được ban hành. Dự thảo quy định xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt sau xe phải có thiết bị cảnh báo hoặc biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.

Xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Ảnh minh họa: Business Wire.

Xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Ảnh minh họa: Business Wire.

Dự thảo quy định, hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe có thể hoạt động tự động hoặc điều khiển bằng tay. Một số hệ thống cảnh báo hoặc có chức năng tương tự có thể trang bị trên xe để hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau, như một số nút bấm khẩn cấp trên xe được bố trí lắp đặt tại một số vị trí đặc biệt, dễ quan sát. Học sinh khi bị bỏ quên sẽ ấn vào nút bấm đó và hệ thống được kích hoạt sẽ phát ra tiếng còi báo động, âm thanh khẩn cấp sao cho người đứng bên ngoài cách xe tối thiểu 50 m phải nghe được.

Đồng thời, hệ thống thực hiện liên lạc khẩn cấp bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh. Âm thanh sẽ được dừng lại khi có người mở cửa, kiểm tra xe và tắt hệ thống. Hoặc có thể là hệ thống được kích hoạt sau khi tắt động cơ hoặc rút chìa ra khỏi ổ khóa trong vòng ba phút, lái xe phải xuống cuối xe và bấm một nút để khẳng định không còn trẻ nào trên xe.

Nếu tài xế không bấm nút, chuông cảnh báo sẽ reo và không khóa được cửa xe. Xe cũng có thể sử dụng hệ thống lắp đặt các loại cảm biến 60 GHz (thân nhiệt, chuyển động, sóng âm) vào trần xe, dọc theo thân xe để có được tầm nhìn bao quát và đầy đủ nhất. Khi có học sinh bị bỏ quên, lái xe sẽ không thể khóa cửa và kèm theo âm thanh cảnh báo hoặc lời nhắc kiểm tra bên trong xe.

Xe chỉ khóa được cửa khi không còn người bên trong. Một hệ thống cảnh báo khác được dự thảo đề cập, đó là thiết bị quét thông tin nhận diện khuôn mặt, thẻ học sinh khi học sinh lên và xuống xe. Lái xe hoặc người quản lý học sinh phải quét đầu đọc thẻ sau khi kiểm tra xong khu vực cửa xuống. Nếu có học sinh lên mà không xuống xe thì sẽ liên lạc trực tiếp ngay lập tức tới cha mẹ, hoặc lái xe, người quản lý học sinh thông qua tin nhắn để kiểm tra lại. Hệ thống cảnh báo có thể phát hiện ra các âm thanh, chuyển động trên xe, ngay lập tức sẽ truyền tín hiệu, cảnh báo bằng tin nhắn hoặc hình ảnh theo thời gian thực tới điện thoại của lái xe hoặc người quản lý học sinh hoặc phần mềm trên máy tính của trung tâm quản lý.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quy định không chỉ để tránh trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe mà còn đảm bảo an toàn cho học sinh một cách tối đa trong suốt quá trình di chuyển. Ủng hộ các quy chuẩn này, các chuyên gia cho rằng, cần quyết tâm đưa vào các tính năng an toàn cao nhất đối với xe đưa đón học sinh như hệ thống chống bỏ quên học sinh, thiết bị tăng cường khả năng quan sát và cảnh báo cho lái xe về các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Đồng thời, cần rút ngắn quá trình ban hành dự thảo quy chuẩn này để sớm triển khai trong thực tế.

Ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi với nhiều tiện ích

Ngày 28/6, UBND thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức lễ công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội trên ứng dụng VNeID; Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.

Trong đó, đáng chú ý là ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) rất được người dân kỳ vọng. iHaNoi là ứng dụng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Các tính năng nổi bật của ứng dụng gồm:

Phản ánh hiện trường: Gửi phản ánh từ nhiều lĩnh vực tới chính quyền. Từ đó giúp chính quyền nắm bắt được những vấn đề của người dân và giải quyết, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thành phố ngày một tốt hơn.

Phản ánh thủ tục hành chính: Gửi phản ánh các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, dịch vụ công. Doanh nghiệp/tổ chức có thể gửi các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố để được trả lời, giải quyết kịp thời.

Tiếp dân trực tuyến: Người dân có thể tạo và gửi phiếu đăng ký tiếp dân trực tuyến thay vì đến cơ quan chính quyền để đăng ký.

Thông tin cảnh báo: Cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất, chính thống từ chính quyền.

Ảnh minh họa: Kinh tế & Đô thị.

Ảnh minh họa: Kinh tế & Đô thị.

Vào tháng 4/2024, Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng ba bậc so với năm 2023).

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Theo Viện Phát triển và Quản lý quốc tế - IMD, thành phố thông minh được định nghĩa là "môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa cho người dân".

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, ba trục mục tiêu gồm: Hạ tầng số - Nền tảng số - Dữ liệu số cùng hai trục yêu cầu an toàn thông tin và phát triển dịch vụ được thành phố thực hiện đồng bộ, bài bản, bảo đảm hiệu quả và thực chất, ứng dụng thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xe-dua-don-hoc-sinh-can-them-cong-nghe-de-giam-sai-sot-do-con-nguoi-ha-noi-tin-moi-chieu-243312.htm