Xây dựng văn hóa ứng xử học đường

Văn hóa ứng xử trong nhà trường có vai trò quyết định với môi trường văn hóa học đường, từ đó góp phần hình thành, rèn luyện nhân cách giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng luôn được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện.

Giáo viên Trường Tiểu học Yên Luật, huyện Hạ Hòa thường xuyên gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu giúp bồi đắp tình cảm cô, trò.

Cộng đồng xã hội vẫn chưa quên sự việc xảy ra vào cuối tháng 11/2023 vừa qua tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang khi một cô giáo bị nhóm học sinh lớp bảy chốt cửa, dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu khiến cô giáo ngất xỉu tại chỗ. Được biết đây không phải là lần đầu cô giáo bị nhóm học sinh đe dọa và có những hành vi côn đồ. Rất nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ trước hành vi hỗn láo, ngang ngược, thiếu giáo dục của nhóm học sinh này. Đây chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong một bộ phận học sinh ngày nay.

Từ câu chuyện trên, cô giáo Bùi Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Luật, huyện Hạ Hòa chia sẻ: “Trực tiếp làm công tác quản lý giáo dục, tôi cảm thấy rất buồn và hụt hẫng khi sự việc xảy ra ngay trong chính lớp học. Theo tôi, để xảy ra vụ việc như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên theo dõi sát sao, có biện pháp quản lý nhằm kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý, giữ mối quan hệ hài hòa, gần gũi, chia sẻ với học sinh. Đồng thời, nhà trường cần kịp thời phối hợp với cha mẹ học sinh chấn chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực, giúp các em có thái độ ứng xử đúng đắn khi đến trường. Việc giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường và gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu văn hóa trong xã hội từ văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa trên mạng... được làm tốt thì sẽ tác động rất quan trọng đến học sinh”.

Cùng với công tác chuyên môn, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện văn hóa ứng xử, xây dựng nền nếp trong dạy và học. Năm học 2023-2024, Trường THCS Thọ Sơn, thành phố Việt Trì có 1.235 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thái - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc học sinh vi phạm quy tắc ứng xử trong nhà trường giờ đây không phải là hiếm bởi các em đang phải chịu tác động rất lớn từ thực tế xã hội, mạng Internet... Để uốn nắn, xây dựng cho học sinh nền nếp ứng xử, tôn trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, nhà trường thường xuyên lồng ghép việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào các môn học cũng như hoạt động ngoại khóa. Vừa qua, nhóm học sinh của trường cũng đã mang đến cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dự án thuộc lĩnh vực hành vi: “Văn hóa ứng xử học đường của học sinh THCS - Thực trạng và giải pháp” và giành giải Nhất. Dự án đã đề ra được nhiều giải pháp từ nhiều phía nhằm nâng cao văn hóa ứng xử cho học sinh. Trước hết, nhà trường sẽ cụ thể hóa, ứng dụng dự án vào thực tế ở trường, từ đó tạo sự lan tỏa, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người học”.

Học sinh Trường Tiểu học Đồng Xuân, huyện Thanh Ba đọc sách tại góc thư viện xanh.

Nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo về mặt chuyên môn và đôn đốc thực hiện, kiểm tra, giám sát đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục cần thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học gắn liền với các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh. Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực của ngành Giáo dục, rất cần sự phối hợp thường xuyên từ gia đình nhằm góp phần tạo nên môi trường an toàn, thân thiện, tích cực, hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho học sinh.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/xay-dung-van-hoa-ung-xu-hoc-duong/205736.htm