Xây dựng, thực thi pháp luật: Phải hướng đến người dân, doanh nghiệp

Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 gắn liền với dấu mốc quan trọng là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thông qua vào năm 1946, đánh dấu bước đầu tiên trong việc xây dựng nền tảng pháp lý của quốc gia. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội và khuyến khích mọi người tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Bàn về công tác xây dựng pháp luật, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành, Bộ Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ vào ngày 8-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chính vì vậy, thời gian qua, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp (DN) đã có ý thức tôn trọng và tự giác, nghiêm túc chấp hành pháp luật; có tinh thần bảo vệ pháp luật, đấu tranh chống lại các hành vi coi thường và vi phạm pháp luật; góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN còn hạn chế. Năng lực tổ chức thực hiện pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Theo ý kiến của các chuyên gia, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trước hết cần quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật sát với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình xây dựng, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, DN.

Song song đó, phải tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội trong cả khâu xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN khi làm các thủ tục hành chính, ngày càng tạo niềm tin cho người dân, DN vào hệ thống chính trị của đất nước; hạn chế thói ỷ lại, dựa dẫm, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trên mọi lĩnh vực.

Thư Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202411/xay-dung-thuc-thi-phap-luat-phai-huong-den-nguoi-dan-doanh-nghiep-be21cfc/