Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đồng bào các tôn giáo, tạo môi trường thuận lợi để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) diễn ra đúng quy định pháp luật, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó góp phần quan trọng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng Giáo xứ Dân Trù, xã Yên Phương (Yên Lạc) nhân dịp Lễ Giáng sinh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành với hơn 900 cơ sở tín ngưỡng và hơn 3.400 người thực hành tín ngưỡng.
Tại Nghị quyết số 25 về công tác tôn giáo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Với quan điểm đó, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào có đạo.
Trong đó, trọng tâm là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hơn 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập của người dân trong tỉnh nói chung và nhân dân vùng đồng bào có đạo nói riêng ngày càng được nâng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng.
Thực hiện tốt chính sách với đồng bào tôn giáo, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hơn 200 tăng, ni trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công ty CNCTech (KCN Thăng Long III) tặng 5 suất quà cho các gia đình theo đạo Công giáo có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Xuyên.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cũng thành lập nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng tổ chức, cá nhân tôn giáo dịp Tết nguyên đán, lễ trọng; dự chúc mừng các buổi lễ do tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo tổ chức; kịp thời thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc các tôn giáo khi đau ốm.
Từ đó tạo mối quan hệ gắn bó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ hành đạo theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công an thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác trước những luận điệu lôi kéo của các đối tượng và nhận thức rõ về tác hại của việc tin theo các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật. Ảnh: Nguyễn Lượng
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo, để công tác quản lý nhà nước về TNTG đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNTG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030”; ban hành quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về TNTG trên địa bàn tỉnh...
Năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều chỉnh đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác TNTG trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2026; kiện toàn báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
Tổ chức 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác TNTG cho hơn 600 lượt cán bộ, công chức làm công tác TNTG trên địa bàn tỉnh; xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu TNTG tỉnh Vĩnh Phúc”; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ điều tra khảo sát cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng kịp thời nắm bắt tình hình, đề xuất giải quyết dứt điểm, ổn định các vụ việc tôn giáo phát sinh phức tạp và đạo lạ hoạt động trái pháp luật, không tạo thành điểm nóng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện sinh hoạt, hoạt động đúng quy định pháp luật…
Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, công tác quản lý nhà nước về TNTG đã tạo được sự tin tưởng và phấn khởi trong cộng đồng tôn giáo. Những năm gần đây, tình hình TNTG tại tỉnh luôn ổn định, không xuất hiện điểm nóng hay các vụ việc lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, đại diện và Ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng đều thực hiện sinh hoạt và hoạt động tôn giáo đúng quy định pháp luật.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát và tổ chức thực hiện các nội dung, quy định của Luật TNTG và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời chủ động nắm tình hình, thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ, tham mưu giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến TNTG trên địa bàn.
Qua đó nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý đối với các hoạt động TNTG, củng cố và tăng cường sự đoàn kết của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.