Xây dựng kế hoạch tài chính gia đình cho năm mới
Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính gia đình ổn định là một trong những nền tảng vững chắc tạo nên hạnh phúc gia đình. Việc quản lý chi tiêu rõ ràng, chi tiết không chỉ đảm bảo cân bằng tài chính, tối ưu dòng tiền, mà còn giúp bạn có một khoản dự phòng, tiết kiệm cho tương lai.
Nhờ vậy, tình hình tài chính của gia đình luôn trong trạng thái an toàn, thậm chí có thể chủ động trong các tình huống rủi ro phát sinh trong cuộc sống.
Thiếu học phí của con vì chi không kế hoạch
Là người trải qua biến cố trong cuộc sống, có thời gian tưởng không vực dậy được kinh tế gia đình vì đối diện với nợ nần, làm ăn thất bát, chị Tạ Thị Thanh Hàn (Q7, TPHCM) khẳng định, để không bị rơi vào đường cùng, đảm bảo sự ổn định của gia đình, vợ chồng phải nghiêm túc xây dựng kế hoạch tài chính.
"Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh tài khoản dư nợ âm vì lạm chi. Không còn một đồng để đóng học cho hai con, tôi buộc phải cầu cứu đến phần lương hưu dưỡng già của mẹ đẻ. Cảm giác trong hoàn cảnh ấy, cay đắng và tủi thân. Tôi nhận ra, trước đây, vì mình không có kế hoạch cụ thể nên mọi khoản đầu tư, trang trải chi tiêu cho gia đình không phân định rạch ròi.
Vì thế, thiếu tiền đầu tư thì dùng cả sang khoản chi tiêu. Mọi khoản tiền mình không rạch ròi, dẫn đến cái nọ lạm sang cái kia, để rồi tiền đóng học cho con cũng chẳng còn", chị Hàn nhớ lại.
Theo chia sẻ của chị Hàn, sau lần khủng hoảng kinh tế gia đình ấy, chị bắt đầu nghiêm túc xây dựng và tuân thủ kế hoạch tài chính gia đình. Nhờ vậy, dù vẫn đang nợ ngân hàng nhưng chị Hàn không còn bị rơi vào tình thế cạn tiền chợ, tiền sinh hoạt hằng ngày nữa.
Xây dựng tháp tài sản gia đình
"Tháp tài sản" là một khái niệm trong tài chính cá nhân, thể hiện việc phân bổ tài sản thành từng lớp như cách xếp lớp của kim tự tháp Ai Cập. Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch tài chính của một gia đình cũng cần được hoạch định tương tự và tài sản phải được phân bổ thành lớp lang vững chắc.
Để tháp tài sản cao lớn, đáy tháp cần được làm càng rộng càng tốt, xây tháp từ dưới lên trên. Hai lớp đáy tháp quan trọng nhất là tài sản bảo vệ và tài sản vô hình (tiết kiệm). Tài sản vô hình, hay còn gọi là đầu tư vào con người, gồm: học vấn, năng lực, thương hiệu, mối quan hệ. Lớp bảo vệ là nhà ở, quỹ dự phòng, bảo hiểm nhân thọ, vàng…
Theo mô hình tháp tài sản này, mối quan hệ giữa hai lớp đáy tháp tài sản sẽ bền chặt hơn khi lớp tài sản bảo vệ chính là nguồn vốn để đầu tư vào tương lai con cái.
Sau một thời gian thực hiện mô hình này thấy hiệu quả, chị Hàn đưa ra một số kinh nghiệm cá nhân: Với điều kiện của mỗi gia đình, tỷ lệ phân bổ các lớp tài sản sẽ khác nhau và có thể thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên, nguyên tắc chung cần tuân thủ là xây dựng khối tài sản theo hình kim tự tháp và giữ vững kỷ luật tài chính.
"Ở tất cả lớp của tháp tài sản, tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho các hạng mục nên được tuân thủ chặt chẽ. Rất khó để có một tháp tài sản vững vàng khi chúng ta phân bổ tùy hứng, vì thế, hằng tháng, hằng quý cần đều đặn góp một khoản cố định cho tương lai", chị Hàn cho biết.
Kỳ nghỉ Tết đã kết thúc, chúng ta bắt đầu một năm mới với nhiều kỳ vọng. Nếu bạn chưa làm thì hãy xây dựng ngay tháp tài sản để bảo vệ gia đình trước những khủng hoảng, bất trắc và biến động của cuộc sống.