Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Khoảng 5 năm trở lại đây, hoa lan được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm trồng, nhân giống và từng bước trở thành hàng hóa. Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc hoa lan vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho việc thực thi chủ trương đang gặp khó.

Niềm kiêu hãnh của núi rừng

Ai đã từng lạc vào vườn lan đúng vào mùa hoa nở, chắc chắn sẽ không thể bước chân đi. Trăm hoa đua nở, muôn hoa khoe sắc có thể “hớp hồn” bất cứ vị khách khó tính nào. Sự kiêu hãnh của lan là nhờ tạo hóa ban tặng, mỗi loài có một vẻ đẹp tự thân không lẫn với bất cứ hoa nào. Có “nàng” màu vàng ươm, “nàng” màu tím biếc, “nàng” tím nhạt, có khi lại trắng tinh khôi, ngắm mải mê mà không chán. Tận dụng sắc hương ấy, tháng 4 hàng năm, Câu lạc bộ hoa Lan Lai Châu lại tổ chức Ngày hội lan - nơi hội tụ những người yêu lan đến thưởng lãm và “đua” vẻ đẹp sắc nước hương trời, vẻ đẹp “độc” của mỗi loài lan. 2 năm trở lại đây xảy ra dịch Covid-19, quy mô có phần thu hẹp song không vì vậy mà lan kém sắc hơn. Lan vẫn bung nở, mời gọi, để nhớ, để thương cho rất nhiều người.

Vườn lan Thiên Phú với hàng chục giò Hoàng Thảo kèn Lai Châu bung nở khi vào mùa.

Vườn lan Thiên Phú với hàng chục giò Hoàng Thảo kèn Lai Châu bung nở khi vào mùa.

Đặc tính của loài lan rừng Lai Châu vừa dễ tính nhưng lại cũng rất khó. Dễ là vì có những giò lan dắt/đính lên thân cây, có khi bị “bỏ quên” ở một góc khuất nào đó, nhưng vào mùa, từng chùm hoa bung nở, tỏa sắc, khoe hương khiến bao người ngỡ ngàng khôn xiết. Và vì thế, họ càng yêu lan nồng nàn hơn. Nhưng khó là bởi nếu đã “lỡ” nâng niu giò nào đó thì chủ nhân phải hết lòng, tận tâm chăm sóc, tỉ mỉ “đo” thời tiết, độ ẩm, rồi bón phân đúng thời điểm, tỷ lệ; chịu khó bắt sâu, sên vào lúc nửa đêm… thì khi lan nở mới thấy bõ công mình.

Trên địa bàn thành phố Lai Châu hiện có khoảng 100 vườn lan quy mô lớn nhỏ. Có gia đình chỉ trồng để xem như thú vui tao nhã thỏa niềm yêu thích, có gia đình trồng làm cảnh, xanh nhà. Nhưng cũng không ít cơ sở do nhiều người góp vốn để đầu tư giống, giàn, nhân công. Một giò lan sau khi hết vụ hoa có thể tách ra hàng chục ki, vì thế quy mô tăng lên hàng năm một cách chóng mặt. Thu nhập chính xác/năm của 1 vườn lan trồng để kinh doanh thật khó được tiết lộ và cũng không thể tính toán rạch ròi vì tiền bán ra, thu vào và tiếp tục đầu tư sẽ không dễ thống kê. Nhưng có thêm “của ăn, của để” nhờ trồng lan thì nhiều nơi đã làm được. Vườn lan Thiên Phú (tổ 7, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) là một ví dụ.

Anh Hoàng Văn Oanh - chủ vườn lan Thiên Phú mời chúng tôi tham quan vườn lan đang độ ra lá. Hàng nghìn giò lan Hoàng Thảo kèn Lai Châu được treo thành nhiều tầng, lớp đều tăm tắp, nhìn khá bắt mắt. Anh Oanh chia sẻ: Hiện nay, hoa lan rừng rất đa dạng về loại, mỗi loại vẻ đẹp kiêu sa khác nhau. Cũng chính vì lí do đó mà anh nghỉ việc nhà nước để về tập trung trồng và phát triển lan. Hiện tại vườn tập trung phát triển hoàng thảo kèn với hơn 10.000 chậu. Mỗi lần anh mua số lượng lên khoảng 1.000 cây; tỷ lệ cây sống lên tới 90%. Muốn lan phát triển tốt và ra hoa đẹp cần hiểu các đặc tính của lan để có cách chăm sóc sao cho phù hợp. Được biết, Hoàng Thảo kèn Lai Châu được xếp vào top 10 loại lan quý hiếm của Việt Nam. Giống lan này đang được bảo tồn và nhân giống vô tính bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

Hoàng thảo kèn Lai Châu là giống lan đặc sản của vùng núi Tây Bắc, có đặc điểm khuôn bông tròn đều, mùi thơm dịu nhẹ ở cự ly gần, sắc hoa tím... do đó luôn cuốn hút nhiều khách hàng chơi lan. Mỗi năm vườn lan Thiên Phú xuất bán hàng nghìn chậu với giá mỗi chậu từ 500.000 đồng trở lên. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và thường nguồn cung không đủ cầu. Hai năm qua, tình hình dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển, tiêu thụ lan có phần chậm hơn.

Rào cản phát triển lan

Sẽ chẳng có gì là trở ngại cho quá trình đưa cây lan vươn xa, trở thành cây đem lại nguồn kinh tế dồi dào, bền vững cho người trồng nếu không vướng ở vấn đề truy xuất nguồn gốc lan. Tại vườn lan Thiên Phú, dù giống được mua từ Trung tâm Bảo tồn giống hoa lan nhưng nguồn gốc lan tại đây vẫn chưa được chứng minh rõ ràng dẫn đến chưa đủ điều kiện để được cấp phép đăng ký kinh doanh.

Ở vườn lan Hương Bình (tổ 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) cũng trong tình trạng tương tự. Đây được xem là một trong những vườn lan có quy mô lớn nhất thành phố cho đến thời điểm hiện tại tính cả về số lượng giò lan và số đầu lan quý hiếm, giá trị cao. Theo chủ nhân vườn lan, anh Nguyễn Thanh Bình, tùy từng giò lan, dòng lan mà mức giá khác nhau. Có giò vài trăm nghìn, nhưng cũng có giò lan có giá lên đến trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Hơn 5 năm qua, anh không phải nhập thêm lan vì hầu hết đều nhân giống từ nguồn lan có sẵn của gia đình, chỉ mua và nhập những giống lan mới. Tuy nhiên, việc cấp phép kinh doanh cho vườn lan này vẫn chưa được thực hiện.

Theo Quyết định 1447/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 của UBND tỉnh, danh mục hoa lan, hồng thuộc địa bàn các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu được xác định là một trong những cây trồng chủ lực. Cụ thể hóa Quyết định 1447, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó, chú trọng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES Việt Nam về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó các loài lan (trừ các loài quy định tại nhóm IA và phụ lục I) thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm nhóm IIA; nên việc trồng các loài lan vì mục đích thương mại phải tuân thủ các điều kiện nuôi trồng theo quy định của nghị định trên, trong đó có điều kiện về mã số cơ sở nuôi trồng. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ sở nào đủ điều kiện được cấp mã số nuôi trồng lan. Ông Lò Xuân Khánh -Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Nếu chiếu theo Công ước CITES thì hiện tại ở Lai Châu, 100% cơ sở đều không đủ điều kiện pháp lý để nuôi trồng lan vì không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cây trồng này.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc này, ngày 13/7/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có công văn gửi cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc xin ý kiến về tài liệu chứng minh nguồn gốc trồng cây địa lan nói riêng và các loài lan đang trồng tại tỉnh nói chung. Công văn nêu rõ: Do việc phát triển các loài địa lan đem lại thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thấy người dân không đi khai thác từ tự nhiên về để gây trồng mà chủ yếu tách từ các chậu gốc, sau đó nhân rộng, phát triển ra. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về việc xác định nguồn gốc đối với việc cấp mã cơ sở trồng cấy các loài địa lan.

Thế nhưng đã hơn 2 tháng qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Điều đó đang là vấn đề gây khó khăn và cản trở việc đưa chủ trương khuyến khích trồng lan vào cuộc sống.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-hoa-lan-ch%E1%BB%A7-tr%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%C3%BAng-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-kh%C3%B3