WB: Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong tương lai

Sau khi đạt được thành tựu trở thành một trong những quốc gia chuyển đổi kinh tế thành công nhất trên thế giới trong suốt 25 năm qua, tới nay, thể chế của Việt Nam cần được hiện đại hóa...

Toàn cảnh lễ công bố báo cáo

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia năm 2021 với chủ đề: "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân: Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả."

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhìn nhận GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp năm lần sau ba thập kỷ qua, nhưng thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ đổi mới vào cuối thập kỷ 1980.

Trong khi đó, cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Còn ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng WB, khẳng định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển. Sau khi đạt được thành tựu là trở thành một trong những quốc gia chuyển đổi kinh tế thành công nhất trên thế giới trong suốt 25 năm qua, tới nay, thể chế của Việt Nam cần được hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mới được thông qua tại Đại hội Đảng tháng 2/2021.

Ông Morisset nêu ví dụ, tại một hội nghị được tổ chức hồi tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra rằng trong số 111 quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh được luật hóa từ khi ban hành Luật Quy hoạch hồi cuối năm 2017 thì tới nay mới chỉ có 7 quy hoạch được chính thức phê duyệt.

“Điều đó cho thấy, kết quả thực thi cải cách của Việt Nam còn chưa đồng đều trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiến những bước xa hơn trên hành trình phát triển kinh tế tương xứng với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Jacques Morisset nói.

Phân tích của báo cáo “Để Việt Nam tươi đào sắc xuân” chỉ ra rằng nỗ lực triển khai thực hiện tổng thể cần được nâng lên gấp ba lần so với những gì đã làm trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, qua đó khẳng định con đường từ thu nhập trung bình lên ngưỡng thu nhập cao khó khăn hơn nhiều so với chuyển đổi từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình ngưỡng thấp.

Theo đó, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị cao cấp WB cho hay có 5 nhóm cải cách thể chế cần ưu tiên.

Thứ nhất, Việt Nam cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể.

Thứ hai, hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp.

Thứ ba, sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân.

Thứ tư, thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng.

Thứ năm, áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Cũng theo bà Hương, để tiến tới trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thành công nhất trên thế giới, trước mắt Việt Nam cần hình thành Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, tăng cương vai trò là cơ quan chủ trì triển khai của Bộ Công Thương.

Song song đó, tạo cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm về xuất khẩu và các khu công nghiệp; phân cấp các quy trình phê duyệt cho địa phương, hoàn thiện hệ thống thủ tục hải quan một cửa.

Ngoài ra, đẩy mạnh cạnh tranh bằng cách hạ thấp rào cản gia nhập, giảm thuế quan để thay đổi giá cả tương quan giữa hàng hóa giao dịch thương mại và không giao dịch thương mại, tham gia các hiệp định quan hệ đối tác thương mại đa phương, khu vực.

Vũ Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/wb-hien-dai-hoa-the-che-la-chia-khoa-de-viet-nam-phat-trien-thanh-cong-trong-tuong-lai.htm