'Vườn ươm chữ' ở đảo Song Tử Tây
Những năm miệt mài ươm chữ nơi ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) là niềm tự hào to lớn đối với thầy giáo Nguyễn Hữu Phú. Coi đảo là nhà, coi học sinh như con là một phần đẹp đẽ nhất của cuộc đời anh.
Tình nguyện ra Trường Sa ươm chữ
Sinh năm 1982 ở một vùng quê thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), từ nhỏ, Nguyễn Hữu Phú đã có một tình yêu da diết dành cho biển, đảo.
Tốt nghiệp sư phạm, anh khát khao được ra nơi đầu sóng, ngọn gió để ươm chữ.
Sau nhiều lần viết đơn tình nguyện, năm 2018, Nguyễn Hữu Phú được về Trường tiểu học Song Tử Tây (Trường Sa) để dạy học.
Nhớ về những ngày đầu tiên ra đảo, Nguyễn Hữu Phú thổ lộ: "Đó là niềm vinh dự, tự hào, là một hành trình tràn đầy ý nghĩa không chỉ riêng đối với bản thân tôi mà là của cả gia đình tôi.
Giữa mênh mông sóng nước, độ mặn lẫn vào nắng gió, thời tiết rất khắc nghiệt.
Tôi tranh thủ từng phút để truyền đạt kiến thức cho các học trò trên đảo. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi thì tôi tăng gia sản xuất, chăm sóc rau xanh.
Ở đảo, thầy và trò chúng tôi gần gũi với nhau như người nhà. Chính vì tình cảm ấy đã khơi dậy khát vọng vượt qua mọi gian khó trong tôi".
Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, mặc dù nằm giữa trùng khơi, nhưng Trường tiểu học Song Tử Tây luôn được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành.
Mỗi năm đồ dùng và dụng cụ học tập được ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị trong cả nước gửi ra rất nhiều nhưng do độ mặn ở đảo quá cao nên các đồ dùng thường nhanh hư hỏng.
"Mỗi lúc dụng cụ học tập hư hỏng, giáo viên lại vừa gieo chữ vừa phải tự mày mò làm đồ dùng thay thế bằng những nguyên vật liệu có sẵn trên đảo như: san hô, ốc biển, sò biển… Vì có khi vài tháng mới có một chuyến tàu ra đảo. Nếu chờ tàu chuyển đồ dùng học tập ra thay thế sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp thu bài học của học sinh.
Phương pháp dạy học ở Trường Sa cũng có một số khác biệt. Trong đất liền thường dùng que tính để dạy học. Ở đây chúng tôi dùng những vỏ ốc, vỏ sò để dạy cho các em học đếm trong môn toán. Dùng lá bàng vuông hoặc lá loài cây các em yêu thích để học mỹ thuật. Hay cũng có thể dùng chính vỏ ốc bày ra để dạy các trò chơi. Ở đảo, ngoài dạy kiến thức còn phải dạy các em kỹ năng sống nữa.
Học ở đây là lớp ghép. Trong cùng một phòng học có nhiều khối lớp các nhau. Giáo viên ở đảo phải biết uyển chuyển, trong một lớp vừa dạy kiến thức học sinh lớp 1, lớp 3 và lớp 4… Việc soạn giáo án rất kỳ công, vất vả" - thầy Nguyễn Hữu Phú chia sẻ.
Nhọc nhằn là vậy nhưng với những người "cắm đảo" như Nguyễn Hữu Phú thì điều lớn lao nhất các anh có được là hạnh phúc với công việc.
Thầy Phú khẳng định: "Điều làm cho tôi gắn bó, yêu ngôi trường này là tình yêu biển, đảo và học sinh. Dẫu quanh năm thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn nhưng các em học sinh vẫn tươi cười, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, phấn đấu đạt được những thành tích tốt.
Điều khiến những giáo viên như tôi xúc động nhất là khi hỏi ước mơ của các em sau này là gì, tất cả đều trả lời là học thật giỏi để quay trở lại phục vụ, giữ vững vùng biển vùng trời nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc".
Những kỷ niệm ươm chữ đáng nhớ
Trong 5 năm gieo chữ ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa), nhiều kỷ niệm in đậm trong trí nhớ của thầy Nguyễn Hữu Phú.
Nhớ nhất đó là thời điểm cuối năm 2021, trận bão Rai hoành hành ở đảo Song Tử Tây, cây cối gãy đổ gần như hoàn toàn, nhiều căn nhà tốc mái.
Trong lúc gió mạnh dữ dội, các gia đình trên đảo mang con đến trường giao cho thầy Phú trông giữ kèm lời nhắn nhủ "Thầy cũng như người thân, nên hãy coi các em thật cẩn thận".
Lúc ấy, thầy Phú đôn đáo lo kiếm dây thừng chằng buộc các cánh cửa và chọn nơi an toàn, nhất là thư viện để các em học sinh vào đó trú tránh.
"Tỉnh cảm thầy trò trên đảo rất sâu sắc, làm cho tôi mãi không thể quên được. Giữa lúc gió bão như thế, tôi đã dặn các em ngồi yên trong thư viện, không được ra ngoài, chỉ để một mình tôi ra đóng cửa, cột cửa, em nào ra sẽ bị phạt nặng.
Ấy vậy mà khi thấy tôi chật vật gia cố cửa, các em học sinh lao ra giúp sức. Khi mọi chuyện đã qua, tôi quay lại hỏi học trò của mình "các em không sợ bão, không sợ bị thầy phạt hả". Đám trẻ hồn nhiên nói: "Em hết sợ rồi, thầy có phạt em cũng ra phụ giúp thầy vì thương thầy như người thân". Hành động của các em đã làm tôi rưng rưng nước mắt".
Đối với giáo viên Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học Song Tử Tây còn có rất nhiều kỉ niệm. Điển hình như mỗi dịp 20/11, biết thầy giáo thích hoa sứ, học sinh trên đảo đã đi hái tặng thầy. Món quà như chứa đựng cả tình cảm và niềm tin yêu từ các trò giành cho thầy.
Sau 5 năm gieo chữ nơi đảo xa, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú vừa được chuyển công tác về đất liền nhưng nỗi nhớ đảo vẫn cồn cào trong lòng anh.
Thầy Phú tâm sự rằng: "Sống ở đảo thật sự không có sự ngăn cách, thầy và trò gắn bó, thương nhau một cách chân thành. Người dân trên đảo thì ai có đồ ăn ngon mới được gửi từ đất liền ra đều mang ra mời ăn chung hay biếu nhau. Hoặc có công việc gì đều chung tay giúp đỡ không ngần ngại.
Từ những năm tháng ở đảo xa, tôi luôn mong rằng các em học sinh luôn nhiều sức khỏe, học thật giỏi, yêu biển đảo quê hương, yêu Tổ quốc của mình. Sau này trở thành người có ích cho xã hội".
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vuon-uom-chu-o-dao-song-tu-tay-169231110165550288.htm