Vững tin mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 đòi hỏi các khu vực kinh tế của tỉnh đều phải tăng trưởng cao, trong khi ít động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khó có bước đột phá để có giá trị tăng thêm, nhưng bằng việc nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang giúp tỉnh vững tin mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế đang vươn mình
Nếu như năm 2023 do chịu tác động của dịch bệnh và các yếu tố bất lợi khiến tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,85%; nhưng sau khi kinh tế phục hồi cùng sự điều hành linh hoạt, sáng tạo đã giúp tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 theo giá so sánh ước đạt 17.731,6 tỷ đồng, tốc độ tăng GRDP so với cùng kỳ năm trước đạt 6,05%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,91%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,71%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,34%. Những điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế năm 2024 cho thấy nền kinh tế của tỉnh đang thực sự vươn mình.
Giữ vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, mặc dù thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ, nhưng ngành Nông nghiệp giữ đà tăng trưởng khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đảm bảo khung thời vụ, sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường. Chăn nuôi lợn, bò và đàn gia cầm tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng tăng khá cao do người dân quan tâm đầu tư hơn đến thức ăn chăn nuôi giúp rút ngắn chu kỳ sản xuất và tăng trọng lượng xuất chuồng.
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện có tốc độ tăng trưởng ước tăng 25,09% so với cùng kỳ, là lĩnh vực có tỷ trọng và quy mô đóng vai trò chi phối đối với toàn ngành Công nghiệp trên địa bàn. Những tháng cuối năm thời tiết có mưa, lưu lượng nước về lòng hồ thủy điện nhiều đã tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện hoạt động đạt công suất thiết kế. Đồng thời, một số nhà máy hoàn thành xong việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị để đưa của các tổ máy vào hoạt động.
Trong khu vực kinh tế, dịch vụ tăng 7,3%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành và có nhiều lĩnh vực điểm sáng, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động; du lịch tăng trưởng mạnh; khách du lịch đến tỉnh tăng đột biến. Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hoài chia sẻ: Các hoạt động văn hóa, thể thao chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đóng góp tích cực vào một số ngành dịch vụ. Khách du lịch đến tỉnh cả năm 2024 ước đạt trên 3,28 triệu lượt khách (tăng 8,8% so với năm 2023) đã thúc đẩy các ngành hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng 9,85%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,01%; dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác tăng 10,83%... Tới đây, nếu chính sách miễn visa cho khách nước ngoài đến Hà Giang được áp dụng thí điểm sẽ tạo động lực rất lớn cho ngành du lịch của tỉnh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Đồng bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Năm 2025 được tỉnh xác định là năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% (theo Nghị quyết 132, ngày 12.12.2024 của HĐND tỉnh) và 10% (theo Công điện số 140, ngày 27.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng hai con số trong năm 2025). Điều đó có nghĩa để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 tăng 8% thì tổng sản phẩm (GRDP) giá so sánh trên địa bàn tỉnh phải đạt 19.154,06 tỷ đồng; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 11,7%; khu vực dịch vụ tăng 8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,0% so với năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết: Để đạt tốc độ tăng trưởng 8% mặc dù các khu vực kinh tế đều phải tăng trưởng cao nhưng trên cơ sở môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực; cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân, doanh nghiệp tạo nền tảng trong việc thu hút đầu tư.
Mặt khác, những khó khăn về tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; sản xuất công nghiệp được tháo gỡ kịp thời; các dự án đang vướng mắc, chậm, dừng triển khai được tái khởi động sẽ giải phóng nguồn lực trong năm 2025. Việc huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các dự án ngoài ngân sách; các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch duy trì phát triển ổn định, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu… sẽ tạo động lực giúp tỉnh đạt mục tiêu đặt ra.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202501/vung-tin-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-47067bf/