Vùng đất 'danh khoa thế mỹ', ba đời nối nhau đỗ đại khoa

Là đất phát khoa ven đô, Triều Khúc không chỉ được biết tới là ngôi làng cổ gắn liền với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, mà còn là đất khoa danh hiếm có.

Làng Triều Khúc hiện nay vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, mang dáng dấp làng bảng ven đô kinh thành xưa.

Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) không chỉ có nhiều người đỗ cao, mà còn có một dòng họ trong cùng gia đình có đến 3 thế hệ cha con ông cháu cùng đỗ tiến sĩ vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan thanh liêm, được nhân dân tôn thờ là “danh khoa thế mỹ”, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá là “hiếm có trong lịch sử”.

Đất cổ nhiều hào kiệt

Qua các tài liệu khảo cổ học cho thấy, từ hơn 2.000 năm trước, mảnh đất Triều Khúc đã có cư dân người Việt cổ sinh sống. Sách “Hà Nội nghìn xưa” viết rằng, nghiên cứu thời đại các Vua Hùng dựng nước trên lưu vực sông Hồng, giới khảo cổ học miền Bắc đã khắc họa được sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đồ đá mới, qua thời đại đồng thau đến đầu thời đồ sắt.

Hà Nội có đủ các di tích tiêu biểu cho dòng diễn biến liên tục về văn hóa và lịch sử suốt 2.000 năm trước Công nguyên, đã xây dựng được một phổ hệ các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, giai đoạn Phùng Nguyên hay đầu thời đại đồng thau từ khoảng 4.000 năm đến 3.500 năm cách ngày nay. Đại diện cho giai đoạn này ở Hà Nội là các di chỉ Đồng Vông (Đông Anh), gò Cây Táo, Văn Điển (Thanh Trì).

Khoảng tháng 8/1970, người dân đào mương ở cách đồng Miễu và đồng Đỗi phát hiện có những dấu vết của những ngôi mộ cổ, sau đó các nhà khảo cổ học gặp gỡ một số cụ già trong làng, thăm từ đường họ Giang Nguyên và biết được 4 hiện vật bằng đá là những chiếc bôn, mảnh bôn bị gẫy được tìm thấy ở cánh đồng làng.

Dựa trên cơ sở ấy, giới khảo cổ học đã đi khảo sát điền dã cánh đồng Miễu, gò Cây Táo và phát hiện dấu tích khảo cổ học.

Đặc biệt khoảng giữa thế kỷ thứ 8 khi nghĩa quân Phùng Hưng từ Đường Lâm về lập quân doanh ở Triều Khúc, có vị gia tướng họ Giang – sau trở thành ông tổ họ Giang ở làng Triều Khúc. Hiện nay ở cổng từ đường họ Giang ở Triều Khúc vẫn còn 3 chữ “Dân sơ sinh”, ý nói đây là những người đầu tiên của họ Giang đến sinh sống cùng dân làng Triều Khúc.

Người họ Giang Văn ở lại sinh cơ lập nghiệp cùng người dân làng Triều Khúc đã mang theo đặc trưng giọng nói vốn là thổ ngữ vùng Sơn Tây mà các nhà ngôn ngữ học thường gọi là tiếng “trại”.

Họ Giang ở Triều Khúc được đổi thành Giang Nguyên không rõ vì sao nhưng mãi tới năm Canh Tý (1900) mới có cụ Giang Nguyên Phi đỗ Tú tài. Cụ có nhiều công lao trong việc biên soạn hoành phi câu đối ở đình, chùa làng, sưu tập và chép ngọc phả, tộc phả cho các dòng họ, viết gia phả cho một số gia đình trong làng. Năm 1926 cụ được phong là Hàn lâm viện Thị hiếu.

Những ngọc phả, tộc phả, gia phả mà cụ Giang Nguyên Phi biên soạn đã cung cấp cho người nay rất nhiều chứng cứ xác thực, không chỉ ở lĩnh vực lịch sử, mà còn cả ở lĩnh vực đăng khoa.

Trong đó, có cả tư liệu các dòng họ ở Triều Khúc đã phát triển và có các vị khoa cử, dưới triều Lê (1428 – 1433) họ Nguyễn Huy có hai cụ đỗ Hiếu liêm được bổ làm Tri huyện. Đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) họ Bùi có ba cụ đỗ cao được làm đến Tri phủ, phong tước là Thập lý hầu.

Làng Triều Khúc từ thế hệ này qua thế hệ khác dần đông đúc, và có tới 23 dòng họ, trong đó có những họ được chia thành họ mới, chỉ khác tên đệm. Mỗi dòng họ lại có những đặc trưng, phong tục nhưng tựu trung ở một điểm là hiếu học, coi trọng sự học và đời nào cũng có người đỗ đạt.

Nhiều cổng cổ làng Triều Khúc chứng minh về sự học và thú chơi chữ của người xưa.

Nhà thờ họ Giang làng Triều Khúc.

Ba đời liên tiếp đỗ đại khoa

Trong số các dòng họ nổi bật ở Triều Khúc, phải kể tới dòng họ Nguyễn Gia. Các nguồn sử liệu chép rằng, năm Canh Tuất (1370) cụ Nguyễn Phúc Vĩnh ở làng Đồng Dương (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) xuất thân từ nghiệp bần nho nhưng giữ lễ tiết gia giáo đã đỗ Hoành từ và ra làm quan dưới thời vua Trần Nghệ Tông.

Cụ Nguyễn Phúc Vĩnh là đệ nhất tổ của các chi họ Nguyễn hiện đang sinh sống tại nhiều nơi như: Đồng Dương (Đồng Mai, Hà Đông), Triều Khúc, Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Quảng Bị (Chương Mỹ) và nhiều nơi khác. Kể từ đây, các cụ bắt đầu thiên di ra làng Triều Khúc lập nghiệp và lập ra chi phái Nguyễn Gia.

Hậu duệ của cụ Nguyễn Phúc Vĩnh có Nguyễn Tướng công, húy là Hoạt, hiệu là Ngư Ẩn tiên sinh thiên di từ làng Đồng Dương (Đồng Mai, Thanh Oai) ra làng Triều Khúc lập nghiệp và phát khoa bảng liên tiếp ba đời.

Sau khi ngụ lại làng Triều Khúc đến đời thứ tư có cụ Nguyễn Trung đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Năm 1483 ông được cử đi sứ nhà Minh, năm 1508 triều đình nhà Lê bổ ông vào chức Hiến sát sứ Thanh Hoa. Sau lại thăng đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhập thị Kinh diên, kiêm trưởng Hàn lâm viện sự.

Đời thứ 5 của chi tộc Nguyễn Gia có Nguyễn Nghiễm là con Nguyễn Trung khi mới 22 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24, đời vua Lê Thánh Tông (1493). Ông giữ chức Lễ bộ Tả thị lang, Thừa tướng.

Đời thứ 6 có Nguyễn Gia Du là con Nguyễn Nghiễm - thiếu niên đăng khoa đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục, ông làm quan đến Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Lúc đương thời khi đang làm quan thấy cảnh xã hội nhiễu loạn, ông đã cáo quan rong ruổi khắp thiên hạ hành nghề dạy học và bốc thuốc cứu người.

Một ngày nọ, cụ đến làng Kim Bí, huyện Tiên Phong, phủ Thanh Oai (nay là huyện Ba Vì) để bốc thuốc cứu người. Thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, con người sống hiền hòa nhân hậu, ông đã ở lại đây dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.

Trong số học trò của ông, có nhiều người đỗ đạt thành danh. Để ghi nhớ công lao, người dân Kim Bí đã dựng ngôi đình Đoài để thờ phụng nơi chính điện và suy tôn Nguyễn Gia Du làm Thành hoàng làng.

Theo ông Đặng Ngọc Quyền - Chủ tịch UBND xã Tân Triều, tại quê hương Tiến sĩ Nguyễn Gia Du - bên tả đình Triều Khúc hiện vẫn phối thờ Nguyễn Gia Du với dòng chữ tôn vinh “Chư bộ văn ban Nguyễn Tiến sĩ vị tiền”. Với làng Triều Khúc, nhà khoa bảng Nguyễn Gia Du không chỉ là người đỗ đại khoa, mà còn nổi danh là vị quan thanh liêm, trọng nhân đức, mến hiền.

Như vậy có thể thấy, dòng họ Nguyễn Gia làng Triều Khúc với ba cha con ông cháu “trực hệ đồng triều”, không chỉ tấm gương về sự học, mà còn “là điều hiếm có trong lịch sử” như đánh giá của sử thần Ngô Sĩ Liên. Cũng vì là sự hiếm nên Triều Khúc được danh hiệu “danh khoa thế mỹ”.

Lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Gia Du.

Viết tiếp trang sử của đạo học

Phát huy truyền thống hiếu học, chí khí nam tử Thăng Long, làng Triều Khúc sớm được biết hương danh khoa bảng đất kinh đô với nhiều cụ đồ, cụ tú từ việc mở các lớp dạy học miễn phí cho các ấm sinh đến việc lập văn chỉ của làng Triều Khúc để phụng thờ các bậc tiên hiền mang phúc ấm cho bách gia trăm họ.

“Nguyễn Gia phả ký” không chỉ ghi danh thơm 12 vị liệt tổ của dòng họ xuất thân từ Triều Khúc đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua nhiều thời đại: Nguyễn Chỉ định cư Tả Thanh Oai đỗ Tiến sĩ năm Quý Hợi (1453), Nguyễn Hồ định cư ở Tả Thanh Oai, đỗ Hoành năm 1480, Nguyễn Giác định cư Thắng Lãm đỗ Bảng nhãn năm 1484, Nguyễn Tông Trình đỗ Tiến sĩ năm 1754; Nguyễn Lãng có công phù Lê diệt Mạc năm 1548 - 1553, tước phong Xuân Đài hầu được phong đất ở Quảng Bị, Nguyễn Văn Giáp đỗ cử nhân năm 1864 - một trong các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp, được thờ tại di tích quốc gia Tiên Động (Cẩm Khê, Phú Thọ)...

Bia ghi danh ba vị Tiến sĩ dòng họ Nguyễn Gia tại Văn chỉ làng Triều Khúc.

Để phát huy truyền thống ham học của dòng họ Nguyễn Gia, mọi người trong họ đã xây dựng quỹ khuyến học từ năm 2005 để động viên những người có thành tích học tập, vượt nghèo vượt khó học giỏi.

Đây là quỹ do bà con trong họ tự nguyện đóng góp nên tuy còn chưa được đầy đủ nhưng mỗi năm quỹ đều dành phần lớn chi phí để tặng quà và hiện vật khuyến khích con em trong họ nỗ lực học tập.

Hàng năm, vào ngày 13/8 tại từ đường dòng họ, các ban đại diện sẽ công bố thành tích học tập của con cháu, vừa trao thưởng động viên, vừa khuyến khích phát huy, đồng thời cũng không ngừng nhắc nhở con cháu trong họ không vì một vài thành công trước mặt mà hài lòng.

Những thành công trong suốt lịch sử phát triển của dòng họ một phần là nhờ truyền thống nhưng phần quan trọng nhất là phải nhắc tới ý chí vươn lên trong học tập với quan niệm biển học mênh mông và không có đỉnh cao nào là không thể chinh phục.

Từ đường dòng họ Nguyễn Gia nằm ở xóm Lẻ, làng Triều Khúc nổi bật dòng câu đối “Báo quốc kiên trung hiển thanh danh/ Tề gia nhân đức lưu sự nghiệp”. Cùng với nhà thờ các vị tiến sĩ dòng họ Nguyễn Gia là hệ thống tổ đường, văn bia, văn tự, lăng mộ thờ liệt tổ liệt tông của dòng họ Nguyễn Gia ở xã Tân Triều đã gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, khẳng định danh thơm muôn thuở.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vung-dat-danh-khoa-the-my-ba-doi-noi-nhau-do-dai-khoa-post682733.html