Vui, buồn cùng cổ phiếu 'vua'

2024 là một năm đầy 'hỉ, nộ, ái, ố' với nhà đầu tư khi đầu tư cổ phiếu ngân hàng - vốn được mệnh danh là cổ phiếu 'vua'.

P/E của ngành ngân hàng hiện ở mức 9,5 lần, phù hợp cho việc đầu tư dài hạn

P/E của ngành ngân hàng hiện ở mức 9,5 lần, phù hợp cho việc đầu tư dài hạn

Không ít niềm vui

Trong năm 2024, hầu hết ngân hàng chia tỷ lệ cổ tức ở mức trên dưới 20 - 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu, thậm chí có nhà băng còn chia 100% bằng cổ phiếu tăng vốn như Techcombank, giúp nhiều nhà đầu tư “hái quả ngọt” khi đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu “vua”.

Anh Nguyễn Thanh An - một nhà đầu tư cá nhân cho biết, anh rót vốn vào cổ phiếu của HDB, LPB khoảng một năm trước và đã thu được lợi nhuận khi năm qua, HDB chia cổ tức ở mức 30% (cả tiền mặt và cổ phiếu) cùng với thị giá của cổ phiếu này tăng 57%, kết phiên năm 2024 đạt mức 26.650 đồng/CP. Trong khi đó, dù LPBank năm qua không chia cổ tức, nhưng cổ phiếu LPB tăng trên 130%, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2024 ở mức 31.250 đồng/CP.

Tương tự, chị Tuệ Minh (TP.HCM) cho biết, trong năm 2023, khi nhiều ngân hàng khác ồ ạt chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu để tăng vốn, thì Techcombank, ngân hàng mà chị đang nắm giữ cổ phiếu lại chưa có kế hoạch chia cổ tức, nên chị cũng có phần bùi ngùi. Thế nhưng, chị Minh vẫn quyết giữ cổ phiếu TCB và sang năm 2024, đã có được niềm vui lớn khi ngân hàng này chia cổ tức 15% bằng tiền mặt (sau 10 năm không chia) và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến 100%. Thị giá cổ phiếu TCB cũng tăng khoảng 60% trong năm 2024 - mức tăng cao thứ hai trong nhóm ngành, chốt phiên cuối năm ở mức giá 24.650 đồng/CP. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng từ 30 - 40% trong năm 2024 như VAB của VietABank (+34%), MBB của MB (+38%), CTG của VietinBank (+39%), ACB (+28%), VIB (+25%), NAB của Nam A Bank (+21%), BVB của BVBank (+20%). Trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn là VCB của Vietcombank tăng 14%, VPB của VPBank tăng 5%, BID của BIDV tăng 5%...

Cùng với sự đi lên của thị giá và số lượng cổ phiếu lưu hành tăng, giúp vốn hóa toàn ngành ngân hàng trên thị trường chứng khoán tăng 31% trong năm 2024, đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, tương đương với hơn 82 tỷ USD.

Xen lẫn nỗi buồn

Bên cạnh niềm vui của nhiều nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào cổ phiếu ngân hàng, thì cũng có không ít cổ đông ngân hàng “ngậm bồ hòn”.

Chẳng hạn, năm qua, nhiều cổ đông của Sacombank chờ đợi và thậm chí đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng này chia cổ tức khi lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 của Ngân hàng đã ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ. Tuy nhiên, năm qua nhà băng này tiếp tục không chia cổ tức, khiến nhiều cổ đông thất vọng, thậm chí bức xúc khi chất vấn lãnh đạo Ngân hàng tại Đại hội đồng cổ đông. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank lý giải việc chưa chia cổ tức là do Ngân hàng phải tập trung mọi nguồn lực cho quá trình tái cấu trúc và kỳ vọng sẽ kết thúc trong năm tới (2025) để được chia cổ tức.

Bà Bích Ngọc, một cổ đông lâu năm của Sacombank cho biết, với bà, mục đích của việc nắm giữ cổ phiếu STB là để nhận được cổ tức hàng năm chứ không phải “lướt sóng”, nên trong hơn 9 năm qua chưa nhận được cổ tức là nỗi mong chờ lớn.

Tương tự, trong năm qua, ABBank cũng để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối (1.840,7 tỷ đồng) nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai, nên không chia cổ tức cho cổ đông.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank giải thích rằng, Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng. Vì vậy, Ngân hàng mong cổ đông kiên nhẫn, vì chiến lược thì không thể nhanh được, cần thời gian kiên trì…

Không chỉ không được nhận cổ tức, trong năm qua, thị giá cổ phiếu ABB còn giảm 7,5%.

Trong khi đó, SSB của SeABank là mã giảm mạnh nhất trong ngành khi đóng cửa phiên 31/12/2024 còn 16.750 đồng/CP, giảm gần 20,4%. Ngoài ra, cổ phiếu PGB của PGBank cũng giảm hơn 18%, cổ phiếu NVB của NCB giảm hơn 15%. Trong khi SHB và KLB giảm nhẹ 1%.

Một điểm đáng chú ý với nhóm cổ phiếu vua trong năm 2024 chính là việc bị khối ngoại bán ròng mạnh với mức bán ròng cả năm gần 992 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán ròng hơn 19.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 78% và 49% so với năm 2023. Trong đó, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là VIB với khối lượng gần 460 triệu đơn vị, tương đương gần 8.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có một số cổ phiếu vua được nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh, như MBB và STB, được khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng.

Tiềm năng trong dài hạn

Theo đánh giá của các chuyên gia và các công ty chứng khoán, trong năm 2025, ngân hàng vẫn là một trong những nhóm ngành tiềm năng nhất để đầu tư khi được hỗ trợ bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2024, kinh tế vĩ mô tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà băng đẩy mạnh tín dụng, qua đó gia tăng lợi nhuận.

Thực tế cũng cho thấy, năm 2024, ngân hàng vẫn là nhóm có mức lợi nhuận lớn nhất. Trong đó, Vietcombank dự kiến lãi trước thuế 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023; BIDV báo lãi kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước; VietinBank dự kiến lãi 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023 và vượt kế hoạch năm.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phiếu, MB dự kiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất đạt 28.800 tỷ đồng, tăng gần 10%; ACB ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng; LPBank ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng; Sacombank ước đạt 12.700 tỷ đồng đồng và HDBank dự kiến đạt hơn 16.000 tỷ đồng…

Theo ông Cao Việt Hùng, Giám đốc phân tích ngành tài chính ACBS, cổ phiếu ngành ngân hàng đang giao dịch ở mức P/B 1,5 lần, tương đương mức trung vị lịch sử. Trong khi đó, giai đoạn hiện tại, khả năng sinh lời cũng như chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đang tốt hơn đáng kể so với phần lớn các giai đoạn trước đây. Do đó, P/E sẽ là thước đo định giá phù hợp hơn. Hiện P/E của ngành ngân hàng ở mức 9,5 lần. So với triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững (tăng 15% trong năm 2025), ông Hùng cho rằng, vùng giá hiện tại đang khá hợp lý để đầu tư dài hạn đối cổ phiếu ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng lưu ý rằng, rủi ro giảm giá đối với nhóm cổ phiếu này có thể đến từ lạm phát dai dẳng hơn dự kiến khiến Fed chậm lại quá trình giảm lãi suất. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột địa chính trị trên toàn cầu leo thang khiến dòng vốn trú ẩn ở các kênh an toàn như USD, vàng, tiền số…, thay vì chảy vào thị trường chứng khoán. Đặc biệt, các thảm họa tự nhiên xảy ra khiến nền kinh tế chịu thiệt hại nợ xấu ngân hàng gia tăng.

Tương tự, VCBS dự báo, lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2025. Triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành này vẫn đang ở mức phù hợp thị trường (định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm). VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư trong dài hạn là các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành.

Trong khi đó, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS lại chỉ ra ba câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm: Tín dụng, NIM và chất lượng tài sản. Bà Hiền cho rằng, năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, nhưng sẽ có phân hóa giữa các ngân hàng, NIM của ngân hàng đạt khoảng 4,5%. Lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm. Do đó, với những ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào - đầu ra sẽ có khả năng sinh lời cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là vấn đề đáng quan ngại. Do đó, năm 2025, theo bà Hiền, thay vì chỉ nhìn vào thu nhập, nhà đầu tư cũng nên nhìn vào những ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt hơn.

SSI cũng dự báo, NIM ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối quốc doanh đạt 2,77% (tăng 0,05 điểm phần trăm) và khối cổ phần đạt 4,24% (giảm 0,07 điểm phần trăm). Lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 17,4%. Chất lượng tài sản tốt dần sẽ là bức tranh chung trong năm 2025 với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, việc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng tiếp tục năm nay.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vui-buon-cung-co-phieu-vua-post362362.html