Vụ máy bay gặp nhiễu động gây chết người: Bài học từ cách xử lý của Singapore Airlines

Nhiều chuyên gia đánh giá cao cách thức xử lý khủng hoảng của Singapore Airlines trên chuyến bay SQ321 gặp nhiễu động không khí khiến 1 khách thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.

Phản ứng sáng suốt giữa khủng hoảng

Những ngày qua, nhiều hành khách hoang mang trước thông tin chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines (SIA) gặp phải nhiễu động mạnh khiến một người tử vong và hơn 100 người bị thương khi bay qua không phận Myanmar hôm 21/5.

Tuy nhiên, hành động phản ứng của SIA cả trên không và dưới mặt đất được các chuyên gia đánh giá cao, coi đây là bài học chuẩn mực về ứng phó khủng hoảng cho các hãng hàng không trên toàn thế giới.

Cụ thể, nhiều chuyên gia khen ngợi SIA đã hành động nhanh chóng, thông tin liên lạc rõ ràng, đưa ra quyết định sáng suốt ngay khi sự cố xảy ra trên không.

Trong đó, phi công đã hạ cánh khẩn cấp xuống Bangkok (Thái Lan) thay vì một địa điểm gần hơn ở Yangon (Myanmar) do cơ sở y tế ở Bangkok có thể đảm bảo tốt để đối phó tình trạng khẩn cấp.

Hiện trường cứu hộ các nạn nhân trên chuyến bay Singapore Airlines cho thấy khung cảnh bên trong máy bay hỗn loạn sau vụ nhiễu động kinh hoàng. (Video: Reuters)

Các tiếp viên của Singapore Airlines cũng nhận được những lời khen ngợi từ khách đi tàu bay. Dù nhiều tiếp viên bị thương nặng nhưng vẫn liên tục hỏi han, chăm sóc các hành khách, cố gắng làm tất cả để phục vụ hành khách.

Ngay khi máy bay đáp xuống sân bay Suvarnabhumi Thái Lan, hàng loạt xe cứu thương cùng đội ngũ y tế đã có mặt để kiểm tra, vận chuyển các nạn nhân đến cấp cứu tại các bệnh viện lân cận.

Tối cùng ngày xảy ra vụ việc, một máy bay cứu trợ của SIA đã khởi hành đến Bangkok. Sáng sớm 22/4, hãng cũng bố trí máy bay đưa những người không phải nhập viện điều trị trở về Singapore.

Đích thân ông Ngô Tuấn Bằng, Giám đốc điều hành SIA, chủ động đón tiếp, gặp gỡ những hành khách đầu tiên trở về đến Singapore. Ông cũng đã bay đến Thái Lan để thăm hỏi những người vẫn đang phải ở lại Bangkok để điều trị.

Theo phân tích trên tờ Channel News Asia, hành động nhanh chóng, thông tin chính xác, rõ ràng, minh bạch là mấu chốt giúp Singapore Airlines xử lý tốt khủng hoảng này bởi thực tế rất ít hãng hàng không hành động đúng và đủ khi xảy ra các tình huống tương tự. Đây có thể là bài học SIA đã rút ra sau vụ tai nạn hàng không chết người của hãng cách đây 24 năm.

Trước đó vào tháng 10/2000, một chiếc Boeing 747-400 của SIA dự kiến bay đến Los Angeles đã cất cánh nhầm đường băng tại sân bay Đài Bắc trong cơn bão, dẫn đến tai nạn kinh hoàng khiến 83 người thiệt mạng.

Thảm kịch này càng thêm tồi tệ khi một loạt thông tin sai lệch chưa được xác minh bị lọt ra giữa lúc người dân bối rối, gây ra làn sóng phẫn nộ và chỉ trích nhắm vào Singapore Airlines lúc bấy giờ.

Máy bay gặp nạn đã trở về Singapore

Ngày 26/5, thông tin từ tờ Channel News Asia cho biết máy bay thực hiện chuyến bay SQ321 đã trở về Singapore sau 5 ngày xảy ra sự cố nhiễu động.

Theo dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightRadar24, chiếc máy bay đã khởi hành từ Bangkok lúc 10h49 sáng 26/5 (giờ địa phương) ở sân bay Suvarnabhumi (Băng Cốc, Thái Lan), hạ cánh ở Singapore lúc 13h39 chiều cùng ngày.

“Cơ quan chức năng liên quan ở Singapore và Thái Lan, các bên điều tra và nhà sản xuất máy bay đã phê duyệt cho phi cơ trở về Singapore. Máy bay cũng đã được nhóm kỹ thuật điều hành bay của chúng tôi kiểm tra trước khi khởi hành", hãng bay thông tin vào ngày 26/5.

Hiện trường bên trong cabin hành khách, nhiều mặt nạ oxi rơi xuống, trong khi một số bộ phận trên trần cabin bị hỏng, rơi lủng lẳng trên đầu khách. (Ảnh: Reuters)

Hiện trường bên trong cabin hành khách, nhiều mặt nạ oxi rơi xuống, trong khi một số bộ phận trên trần cabin bị hỏng, rơi lủng lẳng trên đầu khách. (Ảnh: Reuters)

Tính đến chiều 26/5, đại diện cơ quan y tế ở Thái Lan cho biết vẫn còn 41 bệnh nhân phải nằm viện tại Thái Lan. Trước đó, cơ quan chức năng Thái Lan cho biết 22 người bị chấn thương tủy sống, 6 người bị chấn thương sọ não, đã tiến hành phẫu thuật cho 17 người. Đối với ca tử vong, nguyên nhân bước đầu xác định có thể là do đau tim.

Singapore Airlines cho biết hãng sẽ tạo điều kiện cho gia đình, người thân của các nạn nhân đến thủ đô Thái Lan để thăm thân, cam kết hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng liên quan điều tra sự cố này.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Singapore thông báo các nhà điều tra đã tiếp cận và đang tiến hành kiểm tra dữ liệu từ thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay.

Cục Điều tra An toàn Vận tải Singapore (TSIB) trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, đã cử các điều tra viên đến Bangkok để tìm hiểu sự việc, trong khi các nhà điều tra từ Mỹ cũng đã có mặt tại Thái Lan.

Tờ Bangkok Post dẫn nội dung Công ước Montreal về quyền và nghĩa vụ bồi thường cho hành khách tử vong và bị thương do sự cố trên các chuyến bay quốc tế, theo đó Singapore Airlines có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường lên tới 170.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng)/ người.

Trong khi đó, ông Peter Neenan, chuyên gia khiếu kiện lĩnh vực hàng không ở Anh, cho biết như trong nhiều sự cố trước đây, số tiền bồi thường thực tế thậm chí lên đến hàng triệu hoặc hàng chục triệu USD đối với những người bị thương tích nghiêm trọng tương tự.

Ông nói thêm, mức bồi thường chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra, có thể mất đến vài năm để cho ra con số chính xác.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-may-bay-gap-nhieu-dong-gay-chet-nguoi-bai-hoc-tu-cach-xu-ly-cua-singapore-airlines-192240526154832321.htm